TPHCM: Thêm một bệnh viện chuyển đổi thành nơi chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19

Với quy mô hơn 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Trưng Vương được Sở Y tế TPHCM chuyển đổi công năng thành nơi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Bệnh viện Trưng Vương được chuyển đổi thành nơi chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19

Ngày 17/6, Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế đã sẵn sàng triển khai kế hoạch có 3.500 giường bệnh phục vụ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, chuyển đổi thêm Bệnh viện Trưng Vương thành nơi chuyên về điều trị COVID-19.

Bệnh viện Trưng Vương có quy mô 1.000 giường bệnh đã sẵn sàng chuyển đổi công năng để trở thành nơi tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trước đó, Sở Y tế TP đã chuyển đổi công năng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Bệnh viện huyện Củ Chi thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 (với tên gọi Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi). CỤ thể, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đang điều trị cho 126 trường hợp, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi tiếp nhận 192 trường hợp.

Đặc biệt, Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi còn chạy thận tại chỗ cho 5 bệnh nhân mắc COVID-19. Ngoài ra, các can thiệp phẫu thuật cấp cứu, nội soi tiêu hóa can thiệp, can thiệp sản khoa… trên bệnh nhân COVID-19 đều có thể thực hiện ngay tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi.

Bệnh viện huyện Củ Chi được chuyển đổi thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi

Bệnh viện huyện Củ Chi được chuyển đổi thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi

Như vậy, ngành y tế Thành phố hoàn toàn không bị động trong việc tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng khi phải phong tỏa Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM như những ngày qua.

PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, việc chọn một bệnh viện đa khoa để chuyển đổi công năng bước đầu phát huy được lợi thế. Các bệnh viện này có sẵn các chuyên khoa để kịp thời giải quyết những bệnh lý phát sinh ở bệnh nhân COVID-19 mà không cần chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện chuyên khoa khác, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng có kế hoạch điều động các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố luân phiên hỗ trợ chuyên môn và can thiệp tại chỗ cho bệnh nhân COVID-19 khi phát sinh các bệnh lý khác.

Ở thời điểm hiện nay ngành y tế TP đã hiện thực hóa 2.500 giường tại các bệnh viện: Bệnh viện dã chiến Củ Chi (300 giường), Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ (600 giường), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (400 giường)…

Thời điểm này, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cũng chính thức vận hành theo mô hình “tách đôi bệnh viện” để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện được tách thành 2 khu vực riêng biệt, 1 khu vực tiếp tục điều trị bệnh nhân mắc bệnh lao, 1 khu vực chuyên điều trị bệnh phổi không do lao và hiện chỉ tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 có bệnh cảnh lâm sàng nặng.

Từ khi đi vào hoạt động theo mô hình “tách đôi”, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã tiếp nhận 10 trường hợp mắc COVID-19 có bệnh cảnh suy hô hấp được chuyển về từ Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ, giảm tải cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong bối cảnh bệnh viện này đang bị phong tỏa tạm thời do có nhiều nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2.

Bộ Y tế phân bổ 288 nghìn liều vắc xin COVID-19 cho các tỉnh, thành phố đang có dịch

Chiều qua 16/6/2021, Bộ Y tế đã làm việc với Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam thống nhất phân bổ lô hàng 288.100 liều vắc xin mà VNVC đã nhận được từ AstraZeneca, theo đó sẽ ưu tiên cho các tỉnh đang có dịch COVID-19.

Trước đó, Thường trực Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua vắc xin AZD1222 do AstraZeneca sản xuất, của Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC).

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc VNVC mua vắc xin AZD1222 do AstraZeneca sản xuất. Thông báo nêu rõ, Thường trực Chính phủ đã thống nhất, đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về chủ trương thực hiện phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua vắc xin AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của VNVC với các điều kiện đặc thù đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định tại văn bản số 3118/BKHĐT-QLĐT ngày 25/5/2021.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan, ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 3118/BKHĐT-QLĐT để hoàn thiện hồ sơ trình xin ý kiến thành viên Chính phủ (tờ trình, phiếu xin ý kiến và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ); báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế dự thảo Quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương cân đối, cấp bổ sung vắc xin phòng COVID-19 cho các địa phương gồm Bắc Giang, Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo quy định.

Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong tháng 6/2021 ban hành văn bản bổ sung các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 theo đúng nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021 và Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021; báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để chỉ đạo và quyết định theo thẩm quyền về Đề án "Nhập khẩu, sản xuất, tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 và bố trí huy động nguồn lực để thực hiện".

Uyên Phương - Quảng An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tphcm-them-mot-benh-vien-chuyen-doi-thanh-noi-chuyen-dieu-tri-benh-nhan-covid-19-post1346768.tpo