TPHCM thí điểm dự án hơn 2,6 tỷ đồng hỗ trợ trẻ khuyết tật

Với trẻ em khuyết tật, những hoạt động tưởng chừng đơn giản như trò chuyện, giao tiếp, học tập hay hòa nhập cùng bạn bè lại trở thành những ước mơ, khát khao mãnh liệt. Vậy nên, thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật đang cần được quan tâm hơn nữa, giúp các em không còn mặc cảm và vươn lên, khẳng định bản thân trong xã hội.

 Anh Lê Thư Hoàng, phụ huynh có con là trẻ khuyết tật, chia sẻ tại Hội nghị

Anh Lê Thư Hoàng, phụ huynh có con là trẻ khuyết tật, chia sẻ tại Hội nghị

Tâm sự của những người trong cuộc

Ngày 25/2, Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM phối hợp với Tổ chức Danish Vietnamese Asscociation - Hội hữu nghị Đan Mạch - Việt Nam (DVA) tổ chức Hội nghị triển khai "Dự án thí điểm thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật tại TPHCM, Việt Nam".

Tại đây, em Lý Tuấn Lương, học sinh lớp 5, Trường Hy Vọng (quận 8, TPHCM), chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu, với sự phiên dịch của cô giáo. Tuấn Lương kể, em là trẻ khuyết tật khiếm thính và thường gặp nhiều hạn chế trong giao tiếp với bạn bè, thậm chí với cả ba mẹ. Điều đó khiến em cảm thấy buồn và đôi lúc lo lắng không biết sau này lớn lên mình có thể làm được gì.

Tuy nhiên, khi được học tại Trường Hy Vọng, em có cơ hội gặp gỡ nhiều bạn bè có hoàn cảnh giống mình, nhờ đó Lương bớt cảm thấy tủi thân và cùng nhau động viên, cố gắng trong học tập. Đặc biệt, trong quá trình học, em được tiếp xúc với các thầy cô cũng là người khiếm thính. Chính các thầy cô đã truyền động lực và giúp em thêm quyết tâm học tập để thực hiện ước mơ trở thành giáo viên, góp phần giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh giống mình.

Hội nghị triển khai “Dự án thí điểm thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật tại TPHCM, Việt Nam”

Hội nghị triển khai “Dự án thí điểm thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật tại TPHCM, Việt Nam”

Ở góc độ phụ huynh có con là trẻ khuyết tật, anh Lê Thư Hoàng, quê Kiên Giang, hiện đang sinh sống tại quận 8, TPHCM, tâm sự: Vợ anh làm công nhân, còn anh làm nghề tự do. Gia đình có hai con, trong đó con lớn năm nay 14 tuổi học lớp 3 tại Trường Hy Vọng. Do con bị khuyết tật khiếm thính, sức khỏe không tốt nên anh không dám nhận công việc cố định, chủ yếu làm tự do để dành thời gian chăm sóc và đưa đón con. Việc giao tiếp với con cũng gặp nhiều trở ngại, vì bé không nghe, không nói được, chỉ có thể trao đổi những điều cơ bản. Thông thường anh sẽ nhắn tin bằng điện thoại cho con.

"Khi chuyển lên TPHCM làm việc, thời gian đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm trường cho con do vướng mắc các thủ tục hành chính như giấy tờ tạm trú, tạm vắng. Sắp tới, khi con lên cấp 2, tôi càng lo lắng hơn vì các trường chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính thường nằm xa, việc đưa đón con sẽ là một trở ngại lớn. Thôi thì được bước nào mừng bước đó, làm cha làm mẹ đâu thể bỏ con. Điều tôi mong muốn trước mắt là con sẽ có trường học lên cấp 2, được định hướng, giúp đỡ nhiều hơn về học nghề phù hợp, để sau này con sẽ có việc làm", anh Hoàng tâm sự.

Ngọn lửa nhỏ thắp hy vọng

Thấu hiểu được những nỗi niềm và mong muốn của trẻ em khuyết tật, UBND TPHCM đã phê duyệt "Dự án thí điểm thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật tại TPHCM, Việt Nam", dự án do Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM thực hiện với sự tài trợ một phần từ tổ chức DVA.

Dự án thí điểm tại phường 14, phường 15, phường Hưng Phú (Quận 8) và phường 1, phường 14, phường 19 (Quận Bình Thạnh) trong thời gian 12 tháng, có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 2,639 tỷ đồng.

Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM, cho biết: Nhiều trẻ khuyết tật đang gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày và chịu sự kỳ thị, gánh chịu nhiều thiệt thòi khiến các em không được đối xử công bằng như những trẻ em khác. Dự án này không chỉ nhằm cải thiện đời sống cho trẻ khuyết tật mà còn hướng đến việc xóa bỏ định kiến, tạo dựng một môi trường hòa nhập và bình đẳng hơn.

"Dù mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm, dự án còn nhỏ, vốn vẫn còn ít, thời gian cũng ngắn nhưng chúng tôi tin rằng đây sẽ là ngọn lửa nhỏ thắp lên hy vọng, lan tỏa những thay đổi tích cực trong cộng đồng" bà Thuận chia sẻ.

Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM.

Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM.

Theo bà Lương Thị Thuận, dự án thí điểm sẽ tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho trẻ khuyết tật, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội về quyền lợi và nhu cầu đặc biệt của các em, góp phần xây dựng một cộng đồng giàu lòng nhân ái và không còn rào cản.

Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Trưởng phòng Lao động Thương và Xã hội quận Bình Thạnh, TPHCM, đánh giá: "Đây là dự án nhân văn mang lại nhiều cơ hội, quyền lợi cho trẻ em khuyết tật. Các em được chăm lo và tham gia nhiều chương trình hoạt động giúp phát huy quyền của mình, được học hành, được vui chơi, được hòa nhập, giúp các tự tin vươn lên trong cuộc sống".

Để góp ý cho dự án thí điểm đạt được kết quả tốt và bám sát với thực tiễn, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đã phân tích các vấn đề cốt lõi. Trong đó có việc quan tâm về nâng cao nhận thức về việc làm cho trẻ khuyết tật trong tương lai; truyền thông về dự án một cách dễ hiểu phù hợp với từng nhóm đối tượng trẻ khuyết tật…

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM, cho hay: Nhà nước đã rất quan tâm đến người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách và quy định hỗ trợ cho các em, đặc biệt là trong vấn đề học tập, không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Mỗi nhóm trẻ khuyết tật khác nhau sẽ có cách định hướng khác nhau. Đối với trẻ khuyết tật vận động, các em có thể tiếp tục học lên đến bậc đại học vì các em có thể nghe được và nói được. Nhưng với trẻ khiếm thính, con đường học tập thường gặp nhiều khó khăn hơn, vì các em không nghe và không nói được.

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại Hội nghị

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại Hội nghị

"Nhân dịp triển khai dự án này, chúng tôi mong muốn phát triển thêm những phương thức phù hợp, giúp các em có cơ hội tiếp cận tốt hơn với việc học tập và nghề nghiệp. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, thông qua các giải pháp được đưa ra từ dự án, chúng ta có thể từng bước góp phần vào sự phát triển chung, tạo ra những điểm sáng trong quá trình hỗ trợ trẻ em khuyết tật, giúp các em có cơ hội bình đẳng hơn", Luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ.

Phụ huynh Nguyễn Thư Hoàng kỳ vọng: "Khi nghe tin về dự án thí điểm dành cho trẻ khuyết tật, dù chưa rõ con mình có được thụ hưởng hay không nhưng với tư cách là một phụ huynh, tôi cảm thấy rất vui mừng và phấn khởi. Ít nhất, trẻ khuyết tật sẽ có thêm cơ hội được chăm sóc, được sự quan tâm, hơn nữa sẽ giúp các em có cơ hội phát triển bình đẳng hơn".

Phạm Thương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tphcm-thi-diem-du-an-hon-26-ty-dong-ho-tro-tre-khuyet-tat-20250225151557848.htm