TPHCM thông tin về bệnh học đường trong nhà trường
Sở GD&ĐT TPHCM vừa thông tin về bệnh học đường và đưa ra những yêu cầu trường học cần thực hiện trong năm học này.
Bà Cao Thị Thiên Phúc, Trưởng phòng Chính trị-Tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, trong năm học 2022-2023, có 98,83% trường học tại TPHCM phối hợp cùng Trung tâm y tế quận/huyện, phòng khám đa khoa và bệnh viện tổ chức kiểm tra sức khỏe ban đầu cho học sinh.
Qua đó, ghi nhận về các bệnh thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, tật khúc xạ, bệnh sâu răng, tình trạng cong vẹo cột sống, sức khỏe thần kinh-tâm thần, tăng huyết áp, hạ huyết áp.
Cụ thể, ghi nhận bệnh thừa cân béo phì có tỷ lệ cao nhất (32,28%), bệnh tật khúc xạ (28,85%), bệnh sâu răng (23,23%), suy dinh dưỡng (4,58%). Nhà trường kịp thời thông tin đến cha mẹ học sinh về kết quả kiểm tra sức khỏe học sinh để kịp thời có hướng điều trị kịp thời.
Đặc biệt, ghi nhận thực tế từ các trường cho thấy, hiện nay mới có 59,76% trường có nhân viên y tế đúng quy định; 20,27% trường có nhân viên y tế có chuyên môn y tế nhưng chưa đạt chuẩn và 19,71% trường có nhân viên y tế nhưng không có chuyên môn y tế.
“Trong trường hợp vì lý do khách quan chưa tuyển dụng được nhân viên y tế chuyên trách có trình độ chuyên môn, phải thực hiện phân công nhân viên kiêm nhiệm làm đầu mối theo dõi công tác y tế trường học và ký hợp đồng với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn để triển khai công tác y tế trường học”, bà Cao Thị Thiên Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo bà Cao Thị Thiên Phúc, năm học 2023-2024 các cơ sở giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp ngành y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại đơn vị như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng,…theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cho học sinh. Biên soạn, sử dụng các tài liệu truyền thông giáo dục sức khỏe với nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Đồng thời tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe cho học sinh và cha mẹ hoặc người giám hộ về các biện pháp phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm; phòng chống ngộ độc thực phẩm; dinh dưỡng hợp lý; hoạt động thể lực; phòng chống tác hại của thuốc lá; phòng chống tác hại của rượu, bia; phòng chống bệnh, tật học đường; chăm sóc răng miệng; phòng chống các bệnh về mắt; phòng chống tai nạn thương tích và các chiến dịch truyền thông, giáo dục khác liên quan đến công tác y tế trường học do Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT phát động,..