TPHCM thúc đẩy phát triển ngành văn hóa – thể thao sau sáp nhập
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức họp giao ban trực tiếp và trực tuyến, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 sáng 3-7.
Cuộc họp mang ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh TPHCM chính thức mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương sáp nhập. Ba điểm cầu chính được kết nối gồm phường Sài Gòn, phường Bình Dương và phường Bà Rịa, đại diện cho các địa bàn mới sáp nhập.
Các ý kiến tại cuộc họp tập trung đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, đề xuất định hướng vận hành bộ máy phù hợp với mô hình tổ chức mới, đồng thời chuẩn bị cho loạt hoạt động lớn sắp tới như lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – liệt sĩ (27-7), 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Một hoạt động văn hóa thể thao của TPHCM trong 6 tháng đầu năm nay. Ảnh: Tư liệu
Một trong những nội dung được ưu tiên thảo luận là các giải pháp tạo động lực phát triển ngành văn hóa - thể thao trong giai đoạn hậu sáp nhập. Việc mở rộng không gian hành chính đòi hỏi ngành phải điều chỉnh cách tiếp cận, phân bố nguồn lực và nhân sự phù hợp hơn với nhu cầu thực tế từng địa phương.
Trong thông cáo báo chí, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận cho rằng đây là “cuộc họp giao ban mang dấu ấn lịch sử”, đánh dấu sự chuyển mình của toàn ngành trong bối cảnh mới. Ông đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng thảo luận của các đơn vị, đặc biệt là các đề xuất nhằm lan tỏa các hoạt động văn hóa - thể thao đến mọi tầng lớp dân cư.
“Tinh thần nhất quán là không bỏ bớt, mà điều chỉnh cho hợp lý về quy mô và đối tượng. Nơi nào người dân có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật thì nơi đó cần có sự hiện diện của ngành văn hóa - thể thao”, ông Thuận nhấn mạnh trong thông cáo báo chí.
Giám đốc Sở yêu cầu rà soát toàn diện các chương trình đã, đang và sắp triển khai; giữ lại và phát triển những hoạt động văn hóa - thể thao đã trở thành “đặc sản” của từng khu vực. Bên cạnh đó, các điểm tổ chức hoạt động phải phân bố đều, tránh dồn về trung tâm, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận văn hóa cho người dân vùng ven, ngoại thành.
Về nhân sự, ông đề nghị phát huy tối đa năng lực và kinh nghiệm địa bàn của cán bộ công chức, đồng thời chủ động kế hoạch tập huấn, luân chuyển, tiếp nhận cơ sở vật chất và chính sách tốt từ các địa phương, đặc biệt là các chính sách đãi ngộ vận động viên, huấn luyện viên.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhấn mạnh là đẩy mạnh triển khai xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, xem đây là mô hình có thể trở thành biểu tượng chung cho TPHCM sau sáp nhập.