TPHCM: Tiềm năng rất lớn để phát triển điện mặt trời mái nhà

Sở Công thương TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TP đề xuất xây dựng đề án 'Phát triển điện sạch, năng lượng xanh phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM' để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao.

TP.HCM được đánh giá có tiềm năng rất lớn trong phát triển điện mặt trời mái nhà khi có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7.

Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100- 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc. Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ. Đối với mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ.

Sản lượng điện tiêu thụ của TP.HCM năm 2022 đạt 27.885,28 triệu kWh, công suất cực đại đạt 4.529 MW. Trong đó, nguồn điện từ năng lượng tái tạo (từ điện rác, bình nước nóng, điện mặt trời mái nhà) đóng góp khoảng 422MW, chiếm 9,32% so với công suất đỉnh năm 2022.

TP.HCM được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển điện mặt trời mái nhà

TP.HCM được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển điện mặt trời mái nhà

Trong những năm qua, nhu cầu tiêu thụ điện của TP.HCM tăng nhanh. Theo Quy hoạch phát triển điện lực TP.HCM giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, nhu cầu tiêu thụ điện của TP năm 2025, công suất cực đại đạt 7.000 MW, điện thương phẩm 40.478 triệu kWh.

Đến năm 2030, công suất cực đại đạt 8.850 MW, điện thương phẩm 53.232 triệu kWh; năm 2035, công suất cực đại đạt 11.050 MW, điện thương phẩm 67.459 triệu kWh.

Sở Công thương TP.HCM cho rằng việc phát triển điện mặt trời mái nhà là cần thiết và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao của TP.

Việc này không chỉ phát triển điện sạch, năng lượng xanh phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển công nghệ cao trên địa bàn TP mà còn đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển bền vững vừa mang ý nghĩa tích cực về mặt xã hội, môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 theo kế hoạch của TP.

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà được đánh giá mang tính khả thi cao vì không tốn diện tích đất khi lắp đặt; chống nóng hiệu quả cho công trình; tăng thêm nguồn cấp điện tại chỗ.

Đồng thời, phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà phân tán và chỉ đấu nối vào lưới điện phân phối khu vực sẽ không ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện toàn thành phố, góp phần giảm công suất phụ tải đỉnh....

Khi có các dự án điện mặt trời mái nhà sẽ góp phần tăng độ dự phòng hệ thống điện, góp phần tăng ổn định hệ thống điện khu vực TP.HCM. Mặt khác, việc phát triển hệ thống năng lượng mặt trời mang ý nghĩa về mặt xã hội và môi trường khi thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí co2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà.

Ngoài ra, cũng sẽ góp phần vào xu hướng tăng trưởng xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững của thành phố; phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ và lãnh đạo TP.HCM.

Do đó, Sở Công thương TP.HCM đánh giá việc nghiên cứu, lập chiến lược phát triến nguồn năng lượng mặt trời đối với TP.HCM có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cụ thể hóa việc thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP, góp phần giảm ô nhiễm môi trường khu vực và góp phần đảm bảo mục tiêu và vai trò phát triến kinh tế vùng.

Thanh Minh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/tphcm-hien-dai-van-minh-nghia-tinh/tphcm-tiem-nang-rat-lon-de-phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha_166555.html