TPHCM tính phương án xử lý pin thải cho 400.000 xe điện

TPHCM dự kiến xây trung tâm tái chế pin để xử lý pin thải từ 400.000 xe điện sau năm 2026, đồng thời đề xuất cơ chế hỗ trợ và giám sát chặt chẽ quy trình thu gom, tái chế.

TPHCM tính phương án xử lý pin thải cho 400.000 xe điện khi chuyển đổi cho các tài xế công nghệ. Ảnh: Lê Vũ

TPHCM tính phương án xử lý pin thải cho 400.000 xe điện khi chuyển đổi cho các tài xế công nghệ. Ảnh: Lê Vũ

Trong họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), đã đưa ra những giải pháp xử lý pin thải phát sinh sau khi thành phố triển khai kế hoạch chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện vào năm 2026.

Theo đề án, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất thành phố xây dựng trung tâm tái chế pin và hỗ trợ bằng các chính sách như cho vay ưu đãi hoặc sử dụng Quỹ bảo vệ môi trường để tài trợ dự án đạt chuẩn.

Ông Hải cho biết pin xe điện chứa nhiều kim loại quý như niken, coban, mangan nên cần được thu hồi và tái chế. Hiện công nghệ tái chế đã phát triển, có thể thu hồi 90 - 95% vật liệu quý trong pin.

Thực tế, Hà Tĩnh đã có nhà máy sản xuất pin xe điện và đã ký hợp tác với Li-Cycle, tập đoàn hàng đầu thế giới về tái chế pin. Thỏa thuận bao gồm cung ứng, tái chế và nghiên cứu đầu tư hệ thống tái chế tại Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang nghiên cứu các phương án kéo dài vòng đời pin, hoặc tái sử dụng pin đã qua sử dụng (pin suy giảm hiệu suất) làm hệ thống lưu trữ điện cho các nhà máy hoặc các dự án điện mặt trời.

Đề án chuyển đổi phương tiện của TPHCM tập trung vào khoảng 400.000 tài xế công nghệ và shipper, nhóm phát thải khí nhà kính cao nhất, với quãng đường di chuyển trung bình 80-120km mỗi ngày, gấp 3-4 lần người dân thông thường.

Từ tháng 1-2026, thành phố sẽ triển khai chính sách hỗ trợ xe điện và ngừng cấp phù hiệu, ký hợp đồng mới cho tài xế dùng xe xăng. Những người đã đăng ký trước vẫn được hoạt động nhưng phải chuyển dần sang xe điện theo lộ trình.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 yêu cầu các nhà sản xuất pin nộp phí tái chế, trừ khi họ tự xây dựng nhà máy đạt chuẩn và tự xử lý pin thải. Các đơn vị không sản xuất vẫn phải nộp phí để Nhà nước hỗ trợ cơ sở tái chế.

Ông Hải kỳ vọng TPHCM sẽ có trung tâm tái chế pin hiện đại trong 10 năm tới, góp phần giảm ô nhiễm và phát triển bền vững. Viện cũng đề xuất các sở ngành sớm lập kế hoạch thu gom, xử lý pin cũ và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật từ đầu để đảm bảo minh bạch, giám sát chặt chẽ.

Bình Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tphcm-tinh-phuong-an-xu-ly-pin-thai-cho-400-000-xe-dien/