TPHCM tính thu hơn 164.000 tỷ đồng từ di dời nhà ven sông, kênh rạch

Từ nay đến năm 2030, TPHCM sẽ di dời khoảng 39.600 căn ở nhà trên và ven sông, kênh rạch. Trong đó, ngân sách TPHCM cần phân bổ ban đầu là 221.370 tỷ đồng nhưng dự kiến kinh phí thu lại khoảng 164.111 tỷ đồng.

Sở Xây dựng TPHCM vừa trình UBND TPHCM xem xét, cho ý kiến về mặt chủ trương xây dựng đề án Di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh rạch trên địa bàn.

Theo đó, từ năm 1993 đến năm 2025, TPHCM đã di dời, giải phóng mặt bằng 44.338 căn nhà trên và ven kênh rạch thuộc 4 tuyến kênh rạch chính và các chi lưu.

Hiện nay, TPHCM vẫn còn 398 dự án, tuyến sông, kênh, rạch chưa triển khai thuộc các quận 4, 6, 7, 8, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, TP.Thủ Đức với tổng quy mô di dời khoảng 39.600 căn. Con số này, theo báo cáo của UBND các quận huyện, số liệu chính xác sẽ được xác định sau khi Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM hoàn tất công tác điều tra xã hội học.

Trong đó, các quận, huyện có số lượng nhà cần di dời lớn nhất là quận 8 (14.950 căn), quận 12 (hơn 2.956 căn), huyện Nhà Bè (4.452 căn), quận 7 (hơn 4.000 căn), quận Bình Tân (3.396 căn)…

Để di dời, giải phóng mặt bằng số nhà trên, ngân sách TPHCM cần phân bổ ban đầu là 221.370 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho trường hợp đủ điều kiện được hưởng chính sách khoảng 130.680 tỷ đồng. Với những hộ không đủ điều kiện, TPHCM sẽ xây dựng nhà ở xã hội với nguồn vốn ước tính gần 10.700 tỷ đồng. Riêng phần đầu tư hạ tầng, nạo vét, cải tạo các tuyến sông, kênh rạch sau đó cần khoảng 80.000 tỷ.

Sau khi triển khai thực hiện đề án, sẽ tạo các khu đất dọc sông, kênh, rạch có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các dự án thương mại dịch vụ... Dự kiến kinh phí thu lại khoảng 164.111 tỷ đồng.

TPHCM cần phải di dời khoảng 39.600 căn nhà trên và ven sông, kênh rạch.

TPHCM cần phải di dời khoảng 39.600 căn nhà trên và ven sông, kênh rạch.

Ngoài số tiền trên, việc tập trung giải quyết tình trạng nhà trên và ven kênh rạch có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của TPHCM, giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn. Đồng thời, cải thiện môi trường kênh rạch nhằm đem lại cho người dân điều kiện sống tốt hơn, góp phần thay đổi cảnh quan đô thị, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Để thực hiện, cần các giải pháp như quy hoạch, huy động vốn, chính sách giải phóng mặt bằng... Trong đó, TPHCM sẽ phát triển trước quỹ nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội phục vụ việc di dời. Đồng thời tập trung mọi nguồn lực tài chính và xây dựng cơ chế mới huy động vốn từ bên ngoài tham gia quá trình di dời.

Trước mắt, TPHCM sẽ thí điểm tại quận 8. TPHCM xem quận 8 là địa bàn trọng điểm để tập trung nguồn lực, xem xét, giải quyết các khó khăn vướng mắc (nếu có) và làm cơ sở để UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức nghiên cứu, xem xét, dự kiến phương thức triển khai.

Theo kế hoạch, trong năm 2025, sẽ hoàn thiện và trình UBND TPHCM phê duyệt đề án. Các nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại các khu vực cũng sẽ được triển khai để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Đồng thời, các thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương và phê duyệt các dự án nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội sẽ được tiến hành.

Từ năm 2026 đến 2027, TPHCM sẽ triển khai xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và các dự án cải tạo sông, kênh, rạch. Công tác thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng cho người dân sống ven các tuyến sông, kênh, rạch sẽ được thực hiện.

Từ 2028 đến 2030, TPHCM sẽ hoàn tất công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân, tiếp tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông, kè bờ, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.

Các dự án phát triển công viên, công trình xanh và không gian công cộng sẽ được triển khai đồng bộ. Các dự án đất dọc sông, kênh, rạch sẽ được đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá đất sau khi di dời.

Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tphcm-tinh-thu-hon-164000-ty-dong-tu-di-doi-nha-ven-song-kenh-rach-post1718063.tpo