TPHCM: Trường học sẵn sàng kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi

Trong hơn 2 tuần qua, ngành Giáo dục và Y tế TPHCM đã có những bước chuẩn bị kỹ càng, thận trọng để tiêm vắc - xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi.

GD&TĐ - Trong hơn 2 tuần qua, ngành Giáo dục và Y tế TPHCM đã có những bước chuẩn bị kỹ càng, thận trọng để tiêm vắc - xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi.

TPHCM có khoảng 970.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11 tuổi sẽ được tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19.

TPHCM có khoảng 970.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11 tuổi sẽ được tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19.

Đến nay, mọi công tác đã gần như hoàn tất và chỉ cần có kế hoạch, TPHCM sẽ triển khai tiêm vắc-xin cho toàn bộ trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn.

Mong ngóng con được tiêm vắc-xin

Mặc dù vẫn còn lo lắng về những tác dụng phụ, nhưng đa phần phụ huynh đồng tình với việc tiêm vắc-xin Covid 19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Có hai con học tiểu học, anh Nguyễn Văn Ton (phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, những ngày qua tôi cảm thấy rất lo lắng khi các con đi học trực tiếp trở lại. Vì vậy, được giáo viên thông báo khảo sát để tiêm chủng, tôi đã đăng ký liền. Bởi khi tiêm vắc-xin giúp các con có kháng thể, từ đó được bảo vệ tốt hơn trước sự nguy hiểm của dịch bệnh”.

Đồng quan điểm ủng hộ chủ trương tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, chị Vũ Thị Trang (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) cho hay: Tiêm vắc-xin cho trẻ là cần thiết, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp mà các con nhận thức về thực hiện 5K trong phòng, chống dịch còn hạn chế.

Là một trong những phụ huynh vẫn ngần ngại chưa đăng ký cho con tiêm, chị Huỳnh Thị Thanh Trà (Phường Tăng Nhơn Phú A, Thủ Đức) cảm thấy lo lắng và cần thu thập thêm kiến thức về vắc-xin, hậu quả có thể xảy ra, triệu chứng, phản ứng phụ sau tiêm,… Chị cho biết: “Mặc dù có 2 con trong độ tuổi được tiêm lần này nhưng tôi nghĩ vắc-xin còn quá mới nên vẫn sợ tác dụng phụ đối với trẻ em. Tôi đang tìm hiểu xem những phản ứng phụ sau tiêm đối với trẻ như thế nào để có sự chuẩn bị chu đáo nhất có thể”, chị Trà giải thích.

Theo thầy Phạm Trung Hữu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (Bình Chánh), từ ngày 27/2 trường đã hoàn thành khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh. Kết quả có khoảng 85% phụ huynh đồng ý cho con tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Theo khảo sát từ các cơ sở giáo dục ở TP Thủ Đức và quận, huyện TPHCM, việc phụ huynh đồng ý cho trẻ tiêm vắc-xin đạt tỷ lệ cao. Cụ thể như Quận 6 có gần 90% phụ huynh có con từ 5 - 11 tuổi đồng ý tiêm vắc-xin cho trẻ. Còn tại quận Tân Bình và huyện Nhà Bè đều có khoảng 80% phụ huynh đăng ký tiêm vắc-xin cho con em.

Nhiều phụ huynh ủng hộ việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho con em.

Nhiều phụ huynh ủng hộ việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho con em.

Sẵn sàng hỗ trợ

Ngoài công tác khảo sát, tuyên truyền cho phụ huynh hiểu và đồng thuận cho trẻ 5 - 11 tuổi tiêm vắc-xin, các trường tiểu học đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất để phục vụ công tác tiêm chủng khi có kế hoạch.

Là quản lý một trong những trường tiểu học có sĩ số phụ huynh đăng ký tham gia tiêm cao nhất địa bàn Quận 11, cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ cho rằng những lo lắng của phụ huynh là dễ hiểu. Thời gian qua, nhà trường đã giao nhiệm vụ cho các giáo viên chủ nhiệm trao đổi, động viên phụ huynh trên các nhóm lớp. Nhờ đó, kết quả khảo sát 100% phụ huynh có con học tại trường đều đăng ký cho con tiêm vắc-xin. Cô Hương cho biết: “Với cơ sở vật chất hiện nay, nhà trường có thể đáp ứng được yêu cầu và sẵn sàng làm địa điểm tiêm chủng cho học sinh nếu cấp trên phân công”, cô Kim Hương nói.

Nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ, ngay từ đầu tháng 3, Sở Y tế TPHCM tổ chức 7 lớp tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế các đội tiêm, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn. Tại buổi tập huấn, các chuyên gia từ Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 được hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng, hướng dẫn theo dõi, xử trí sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin. Cán bộ, nhân viên y tế cũng được tiếp cận cách xử trí cấp cứu tại điểm tiêm chủng và quy trình chuyển tuyến đối với trẻ có chỉ định tiêm tại bệnh viện và chuyển viện khi có phản ứng sau tiêm xảy ra.

Bên cạnh đó, các thầy cô giáo và nhân viên y tế tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM cũng được ngành y tế tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống tiêm chủng Covid-19 và quy trình tổ chức buổi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Đến nay các giáo viên và nhân viên y tế đã nắm rõ quy trình một buổi tiêm chủng, cách nhập liệu trên hệ thống tiêm chủng như: Cách đăng nhập hệ thống, tạo mới và chỉnh sửa thông tin đối tượng, lập kế hoạch tiêm, nhập liệu kết quả tiêm chủng, danh sách trẻ đã nhập và kết quả tiêm theo trường lớp.

Cô Lê Thị Hường, nhân viên y tế Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) chia sẻ: “Qua buổi tập huấn do trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM tổ chức, tôi và các thầy cô giáo trong trường đã nắm rõ quy trình tiêm chủng một chiều, cách để đưa thông tin vào hệ thống một cách nhanh và kịp thời nhất. Bản thân tôi trước đây từng là tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các đợt tiêm vắc-xin cho người dân, nên đã có kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, tư vấn sau khi tiêm. Hiện nhóm tình nguyện viên đang tham gia công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của trường”.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM cho hay: TPHCM có khoảng 970.000 trẻ từ 5 - 11 tuổi thuộc diện tiêm chủng, trong đó 950.000 trẻ đi học và 20.000 trẻ chưa đi học. Nếu vì lý do nào đó phụ huynh chưa cho con tiêm đợt này thì cũng không ảnh hưởng đến việc đến trường. Sở đang phối hợp với Sở Y tế làm tốt công tác truyền thông để phụ huynh yên tâm cho con tiêm vắc-xin.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/tphcm-truong-hoc-san-sang-ke-hoach-tiem-vac-xin-cho-tre-tu-5-11-tuoi-OS3f3dP7R.html