TPHCM xây dựng mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ ung thư tại y tế cơ sở
Mỗi năm, Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Ung thư cũng là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 tại nước ta.
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo phòng chống ung thư lần thứ 27 do Bệnh viện Ung bướu TPHCM tổ chức vào sáng ngày 5-12.
Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, năm 2024, bệnh viện tiếp nhận thăm khám hơn 880.000 lượt người bệnh với gần 42.000 ca ung thư mắc mới. Trong đó, ung thư tuyến giáp chiếm tỷ lệ cao nhất với 23,6%.
Trên phạm vi cả nước, thống kê của GLOBOCAN (Tổ chức ung thư toàn cầu) 2022 cho thấy, Việt Nam ghi nhận hơn 180.400 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư mỗi năm. Đây cũng là nguyên nhân tử vong thứ 2 ở nước ta, chỉ sau bệnh lý tim mạch.
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhận định, ung thư là một trong những thách thức lớn nhất đối với hệ thống y tế toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Do đó, kế hoạch phòng chống ung thư trên địa bàn TPHCM đến năm 2025 tập trung tăng cường công tác tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý ung thư để điều trị hiệu quả với thời gian ngắn hơn. Thành phố sẽ đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, nhân lực chuyên môn, kỹ thuật chẩn đoán nâng cao hơn nữa chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc giảm nhẹ ung thư tại y tế cơ sở là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị ung thư toàn diện, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Theo BS Nguyễn Anh Dũng, chăm sóc giảm nhẹ không chỉ giúp bệnh nhân ung thư giảm bớt đau đớn, cải thiện tinh thần mà còn giúp họ duy trì sự lạc quan trong suốt quá trình điều trị. Do đó, xây dựng và phát triển mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ ung thư tại y tế cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống ung thư.
Thành phố cũng mở rộng mạng lưới ghi nhận ung thư để đảm bảo thu thập dữ liệu chính xác từ các cơ sở y tế, giúp đánh giá đúng tình hình dịch tễ, xây dựng chiến lược can thiệp phù hợp.
Đồng thời, kết nối với mạng lưới phòng chống ung thư vùng Đông Nam bộ với ba cấp độ chăm sóc: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Hoạt động này sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối, nâng cao chất lượng điều trị ung thư ngay tại các tỉnh, thành phố trong khu vực, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư.
Hội thảo phòng chống ung thư lần thứ 27 có hơn 110 bài báo cáo phiên chính thức trong 21 phiên chuyên môn, tiếp đón 2.010 đại biểu tham dự. Hội thảo diễn ra hàng năm, do GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM khởi xướng và duy trì, diễn ra từ năm 1997 đến nay.