TQ mời 4 ngoại trưởng châu Âu đến thăm giữa căng thẳng với EU
Ngoại trưởng Ireland, Ba Lan, Hungary và Serbia sắp sang thăm Trung Quốc theo lời mời của nước này trong bối cảnh Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) EU-Trung Quốc bị đóng băng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28-5 cho biết ngoại trưởng các nước Ireland, Ba Lan, Hungary và Serbia sẽ sang thăm Trung Quốc bắt đầu từ ngày 29-5, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh quan hệ với châu Âu sau khi Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) bị đóng băng, hãng Reuters đưa tin.
Nghị viện châu Âu (EP) trong tháng này đã tạm dừng phê chuẩn hiệp định đầu tư CAI với Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các chính trị gia Liên minh châu Âu (EU), ngừng đào sâu thêm tranh chấp trong quan hệ Trung-Âu và hạn chế các công ty EU tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh là phản ứng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các quan chức Trung Quốc liên quan cáo buộc về cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 28-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết bốn ngoại trưởng của Ireland, Ba Lan, Hungary và Serbia sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 29-5 đến ngày 31-5 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
“Bốn quốc gia này là đối tác hợp tác quan trọng của Trung Quốc ở châu Âu và đã duy trì quan hệ hữu nghị lâu dài với Trung Quốc” – ông Triệu cho biết.
Ông Triệu cho biết các nhà ngoại giao sẽ thảo luận về "quan hệ song phương, hợp tác khu vực và quan hệ Trung Quốc-EU".
“Phía Trung Quốc mong muốn tăng cường niềm tin chính trị và hợp tác thiết thực thông qua chuyến thăm, cũng như thúc đẩy sự phát triển tích cực và cân bằng của quan hệ Trung Quốc-EU” – ông Triệu nói thêm.
Theo Reuters, hai quốc gia thành viên EU là Ba Lan và Hungary, và Serbia, không thuộc khối EU, nằm trong nhóm các nước Trung và Đông Âu "17 + 1" do Trung Quốc dẫn dắt. Nhóm này gần đây đã mất đi một thành viên sau khi Lithuania tuyên bố rút lui.
Quốc hội Lithuania trong tháng 5 đã mô tả việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là “tội diệt chủng”. Nước này cũng cho biết sẽ mở văn phòng đại diện thương mại tại Đài Loan trong năm nay, nơi Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình, khiến Bắc Kinh tức giận.
Những ngoại trưởng được mời sang thăm Trung Quốc đến từ các quốc gia nơi quốc hội không chỉ trích cách đối xử của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, không gọi đó là tội diệt chủng, một gán ghép mà Bắc Kinh bác bỏ mạnh mẽ.
Serbia và Hungary là hai trong số ít quốc gia châu Âu phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc.
Theo tờ South China Morning Post, giới quan sát nhận định rằng trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc-EU tuột dốc, Bắc Kinh đang tập trung vào các quốc gia châu Âu riêng lẻ, nhấn mạnh đến hợp tác và giao dịch song phương.
Ông Ding Chun - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu tại Đại học Phúc Đán - cho biết không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc mời ngoại trưởng bốn nước này đến thăm, bất chấp căng thẳng với EU.
“Việc tăng cường trao đổi của hai bên là rất quan trọng tại thời điểm này. Các chuyến thăm cho thấy Trung Quốc không chờ đợi ở bên lề và đang tích cực tìm cách thúc đẩy quan hệ với châu Âu, gồm cả hợp tác và phối hợp với các nước như Hungary - vốn rất thân thiện với Trung Quốc - và Ba Lan, quốc gia có quan hệ tế nhị hơn với Trung Quốc” – ông Ding nhận định.
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Song Luzheng tại ĐH Phúc Đán, Trung Quốc mời bốn ngoại trưởng vì hai mục đích.
“Một là để đối trọng với nỗ lực cô lập Trung Quốc của Mỹ. Thứ hai, Trung Quốc muốn họ lên tiếng vì Trung Quốc giữa bầu không khí chống Trung Quốc ở châu Âu” – ông Song nói.
“Bốn quốc gia này dựa vào Trung Quốc theo những cách khác nhau. Trung Quốc có thể sử dụng mối quan hệ tốt đẹp của mình với họ để cân bằng các lực lượng chống Trung Quốc ở châu Âu, và sau đó làm dịu quan hệ Trung Quốc-châu Âu. Cải thiện quan hệ Trung Quốc-châu Âu cũng sẽ giúp đối trọng với Mỹ” – ông Song nói thêm.