TQ thông qua luật tăng cường quyền lực cho lực lượng hàng hải
Trung Quốc thông qua Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi, động thái làm dấy lên lo ngại về căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và các nước, gồm cả Nhật.
Hãng thông tấn Kyodo News dẫn nguồn truyền thông Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh ngày 29-4 đã thông qua luật tăng cường quyền lực cho lực lượng chức năng hàng hải nước này, động thái làm dấy lên lo ngại rằng căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác, gồm cả Nhật, tại các vùng biển tranh chấp sẽ gia tăng.
Việc Trung Quốc thông qua dự thảo sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải được cho là có thể nhắm vào các tàu của Nhật tại khu vực quần đảo Senkaku (cách Nhật gọi)/ Điếu Ngư (cách Trung Quốc gọi).
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc hôm 29-4 đã thông qua dự thảo sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải, dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-9.
Luật sửa đổi sẽ cho phép Cục Hải sự Trung Quốc, thuộc Bộ Giao thông vận tải, yêu cầu các tàu nước ngoài rời khỏi vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố lãnh hải nếu đánh giá các tàu này có thể đe dọa an ninh của nước này.
Cục Hải sự Trung Quốc còn có thể chặn các tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh hải nếu hành vi đó “không thuộc diện đi qua không gây hại” theo luật pháp quốc tế.
Trước đó, Trung Quốc hồi tháng 2 đã ban hành Luật hải cảnh gây tranh cãi, khi cho phép lực lượng hải cảnh được “thực hiện mọi biện pháp cần thiết trong đó bao gồm việc sử dụng vũ khí” khi cái mà Trung Quốc gọi là “chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền, và tài phán bị các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển”. Động thái này sau đó cũng đã dấy lên căng thẳng trong quan hệ Nhật-Trung liên quan vấn đề an ninh hàng hải.
Theo Kyodo News, thời gian qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã theo đuổi quan điểm cứng rắn tại các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, xem đây là một phần trong tham vọng đưa Trung Quốc trở thành một "cường quốc biển".
Hồi cuối năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẽ “bảo vệ chủ quyền” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời đã biện minh cho việc điều các tàu đến khu vực, nói rằng "các tàu cá Nhật không xác định" đã đi vào vùng biển quanh khu vực này.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, động thái khiến chính phủ Trung Quốc khó chịu.
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập một quan chức cấp cao của Đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh để phản đối thỏa thuận giữa Washington và Tokyo, Kyodo News dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết.
"Trung Quốc đã bắt đầu có thái độ cứng rắn hơn với Nhật" - nguồn tin cho biết, trong bối cảnh Trung Quốc thông báo đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở biển Hoa Đông trong hai ngày 29-4 và 30-4.
Theo Kyodo News, động thái của Trung Quốc cũng diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đã xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo cùng tiền đồn quân sự tại Biển Đông, ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khu vực này.
Các chuyên gia đối ngoại cho rằng động thái của Bắc Kinh là một lời cảnh báo nhắm đến Washington và các quốc gia phương Tây khác trước nỗ lực tăng cường can dự của các nước này ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.