Trả giá đắt vì tận diệt môi trường

Cách quản lý việc khai thác cát tại An Giang khiến nhiều người hám lợi mà vi phạm pháp luật, hàng ngàn hộ dân sợ hãi trước nguy cơ nhà sụp xuống sông...

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty CP Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (Công ty Trung Hậu) và các đơn vị liên quan, đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với 18 đối tượng. Trong đó, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh An Giang, bị khởi tố tội "Nhận hối lộ".

Thủ đoạn "diệt" dòng sông

Hồ sơ của Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định Công ty Trung Hậu được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác cát trên sông Tiền (đoạn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) với tổng khối lượng 1.531.200 m3 để cung cấp cho 4 công trình quan trọng trên địa bàn An Giang và các tuyến cao tốc tại ĐBSCL.

Trong vụ án, đồng phạm của ông Nguyễn Việt Trí hoặc bị khởi tố các tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thành công vụ", "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" hoặc tội "Đưa hối lộ".

Cụ thể là dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; công trình đường kênh Long Điền A-B và dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Tuy nhiên, Công ty Trung Hậu tổ chức khai thác 4.780.894 m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỉ đồng và bỏ ngoài sổ sách, không khai báo cũng như không nộp nghĩa vụ tài chính đối với số cát khai thác vượt giấy phép này.

Được phép khai thác với 8 xáng cạp nhưng Công ty Trung Hậu đưa đến khu mỏ này 15 xáng cạp Ảnh: VĨNH KỲ

Được phép khai thác với 8 xáng cạp nhưng Công ty Trung Hậu đưa đến khu mỏ này 15 xáng cạp Ảnh: VĨNH KỲ

Để hợp thức hóa số lượng cát khổng lồ tuồn ra ngoài, Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Trung Hậu cùng đồng phạm dùng thủ đoạn thông qua các công ty trung gian do mình thành lập, quản lý để mua hóa đơn đầu vào rồi hợp thức khống nguồn gốc cát. Số tiền thu được, Bình chung chi cho một số cán bộ cơ quan chức năng, trong đó có ông Nguyễn Việt Trí.

Việc tận thu nguồn cát trên sông Tiền của Công ty Trung Hậu diễn ra khá thuận lợi. Thậm chí, tháng 10-2022, UBND tỉnh An Giang còn điều chỉnh giấy phép khai thác cát tại khu mỏ này cho Công ty Trung Hậu với lý do cung cấp cát cho dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên.

Những chiêu trò "cười ra nước mắt"

Theo tìm hiểu, những năm gần đây, việc khai thác cát ở An Giang ngày càng tăng về mức độ và số lượng. Cùng với đó, ngoài chuyện gian lận, tận thu thì xuất hiện nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Tháng 3-2021, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát sông làm vật liệu xây dựng tại mỏ cát trên sông Tiền (đoạn qua huyện Chợ Mới) với diện tích hơn 60 ha, trữ lượng khai thác dự kiến 2.372.500 m3.

Khi đó, mức khởi điểm phiên đấu giá chỉ 7,2 tỉ đồng nhưng qua 45 vòng đấu giá, một công ty tại TP HCM trúng với số tiền 2.811 tỉ đồng, gấp 390 lần giá khởi điểm. Theo quy định, công ty này phải nộp năm đầu tiên hơn 140 tỉ đồng để được cấp quyền khai thác. Tuy nhiên, công ty trúng thầu không nộp tiền rồi bỏ cọc. Vụ việc gây xôn xao dư luận không riêng tỉnh An Giang, ĐBSCL mà lan ra cả nước.

Trước đó, một khu mỏ cát trên sông Hậu nằm giữa 2 huyện Châu Phú, Phú Tân được đưa ra đấu giá với khởi điểm 4,4 tỉ đồng. Một doanh nghiệp tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang trúng với giá cao ngất, gần 273 tỉ đồng.

Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân

Liên quan việc chấp hành pháp luật trong cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2015 - 2020, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra, chỉ ra công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát và việc cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang còn một số hạn chế, vi phạm.

Địa phương này không thực hiện kiểm kê trữ lượng cát tại các mỏ cát lòng sông đã cấp phép, không có biện pháp bảo đảm giám sát chặt chẽ khối lượng cát khai thác thực tế hằng năm tại các mỏ được cấp phép. Riêng Cục Thuế và Sở TN-MT tỉnh An Giang không phối hợp thực hiện đối chiếu khối lượng cát khai thác của tổ chức được cấp phép khai thác cát giai đoạn 2015 - 2020.

Các phương tiện của một doanh nghiệp khai thác cát từng bị tố tuồn cát ra ngoài, không cung cấp cho các dự án theo quy định của tỉnh Ảnh: VĨNH KỲ

Các phương tiện của một doanh nghiệp khai thác cát từng bị tố tuồn cát ra ngoài, không cung cấp cho các dự án theo quy định của tỉnh Ảnh: VĨNH KỲ

Theo TTCP, qua thanh tra, số tiền cần thu nộp ngân sách nhà nước đã xác định được là hơn 2,6 tỉ đồng. Ngoài ra, số tiền thuế, phí chưa nộp của một tổ chức cần thu nộp ngay vào ngân sách nhà nước là hơn 981 triệu đồng.

Dẫn ra nhiều sai phạm cùng hậu quả khác, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh An Giang tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm được nêu. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch khai thác cát và khoanh định lại khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác cát để thực hiện việc lựa chọn hoặc tổ chức đấu giá theo đúng quy định. Bên cạnh đó, thu hồi các giấy phép khai thác cát đã cấp không đúng quy định.

TTCP cũng kiến nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo kiểm kê, giám sát trữ lượng cát và khối lượng cát khai thác thực tế để làm cơ sở đối chiếu xác định khối lượng cát khai thác phải kê khai nộp thuế, phí.

Sự cố tăng gần 3 lần

Theo Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 70 vụ sạt lở, rạn nứt, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch (tăng gần 3 lần so cùng kỳ năm 2022), với tổng chiều dài 3.391 m, ảnh hưởng 95 căn nhà... Hiện toàn tỉnh có 13.070 hộ với 51.080 nhân khẩu sống trong vùng chịu rủi ro thiên tai cao phải di dời. Trong đó, 10.651 hộ với 41.545 nhân khẩu nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch.

Mới đây, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, UBND tỉnh An Giang đã kiến nghị trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý công trình phòng chống thiên tai; xã hội hóa xây dựng các cụm, tuyến dân cư để bố trí di dời các hộ dân ở khu vực sạt lở. Đồng thời, An Giang cũng đề nghị trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí để xử lý các khu vực sạt lở và đầu tư xây dựng cụm, tuyến để di dời dân cư bị ảnh hưởng sạt lở, thiên tai với 14 dự án (11 dự án kè, 3 cụm tuyến dân cư), kinh phí hơn 2.200 tỉ đồng...

Thu hồi hàng loạt giấy phép

Nói về công tác quản lý khai thác cát sông, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trước đây từng cho rằng do đặc thù các mỏ cát sông có mặt nước che phủ nên việc thực hiện khai thác chưa đúng theo thiết kế mỏ được duyệt. Do đó, việc thống kê sản lượng khai thác thực tế tại các khu mỏ được cấp phép chưa phù hợp với sản lượng theo báo cáo và gây khó khăn trong quản lý.

Liên quan việc quản lý nguồn khoáng sản này, tháng 3-2023, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang tổ chức ký kết liên tịch phối hợp 3 lực lượng gồm Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở TN-MT để đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về khoáng sản (cát sông) trên đường thủy nội địa tỉnh An Giang năm 2023. Đối tượng cần tập trung là các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác, xuất khẩu khoáng sản và các dự án nạo vét thông luồng, chỉnh trị dòng chảy có tận thu khoáng sản.

Tiếp đó, từ ngày 24 đến 26-7, UBND tỉnh An Giang ban hành quyết định thu hồi hàng loạt giấy phép khai thác cát tại các mỏ theo tờ trình của Sở TN-MT tỉnh An Giang.

VĨNH KỲ - MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/tra-gia-dat-vi-tan-diet-moi-truong-20230816230848091.htm