Trả giá vì coi thường an toàn lao động

Người lao động mất mạng, còn người sử dụng lao động vừa tổn thất về kinh tế vừa vướng vòng lao lý vì vi phạm pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động

Mới đây, sau khi bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân 250 triệu đồng, ông B.K.T, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH N.T (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) và ông N.M.H, một công nhân (CN) công ty này, đã bị TAND huyện Trảng Bom tuyên xử 1 năm tù cho hưởng án treo vì vi phạm các quy định về an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) gây hậu quả chết người.

Xem thường tính mạng NLĐ

Theo cáo trạng tại tòa, ông N.M.H vốn là CN làm ở bộ phận máy nghiền, ép gỗ của chi nhánh công ty. Mặc dù biết ông H. không có giấy phép, chứng chỉ lái xe nâng nhưng ông B.K.T vẫn giao cho ông này điều khiển xe nâng chuyên dùng vận chuyển gỗ. Sáng 13-4-2019, khi điều khiển xe nâng đi lùi để đưa gỗ vào máy nghiền, do không quan sát phía sau nên đuôi xe nâng đã đụng và cuốn nữ CN D.T.N vào gầm xe. Chị N. được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi do sốc đa chấn thương, chấn thương ngực - bụng kín, gãy xương sườn, dập rách tụ máu thùy phổi, vỡ gan, gãy xương cánh tay.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động là bảo đảm an toàn cho người lao động ẢNH: HOÀNG TRIỀU

Trách nhiệm của người sử dụng lao động là bảo đảm an toàn cho người lao động ẢNH: HOÀNG TRIỀU

Xem xét tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, tòa nhận định ông H. và ông T. đã vi phạm nghiêm trọng quy định về AT-VSLĐ. Là người chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng ông T. đã không đưa xe nâng đi kiểm định trước khi đưa vào sử dụng; không xây dựng quy trình vận hành và sử dụng an toàn xe nâng; không có biện pháp bảo đảm an toàn cho người trong khu vực hoạt động của xe nâng. Ông T. cũng không được huấn luyện về nghiệp vụ quản lý xe nâng. Ngoài ra, dù biết rõ ông H. không có chứng chỉ điều khiển xe nâng nhưng công ty vẫn giao phương tiện cho ông này điều khiển. "Hành vi của các bị cáo N.M.H và B.K.T đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động" theo điểm a, khoản 1, điều 295 Bộ Luật hình sự" - chủ tọa phiên tòa khẳng định.

Lỗi chủ yếu do người sử dụng lao động

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân dẫn tới tai nạn lao động (TNLĐ) phần lớn xuất phát từ phía người sử dụng lao động (NSDLĐ), chiếm tỉ lệ 46,5% với các vi phạm như: không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; tổ chức lao động và điều kiện lao động không bảo đảm; không huấn luyện an toàn lao động (ATLĐ) cho người lao động (NLĐ)… Ngoài ra, việc NLĐ không tuân thủ các quy chuẩn ATLĐ hay tai nạn giao thông cũng góp phần làm gia tăng các vụ TNLĐ.

Phân tích của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ nhất chính là xây dựng, chiếm 15,7%. Thế nhưng hiện nay, việc bảo đảm AT-VSLĐ cho NLĐ tại các công trình xây dựng, đặc biệt là xây dựng dân dụng vẫn chưa được NSDLĐ và NLĐ quan tâm đúng mức. Hậu quả là không chỉ khiến NLĐ mất mạng, tổn hại sức khỏe mà NSDLĐ cũng rơi vào vòng lao lý. Chẳng hạn như vụ TNLĐ sập giàn giáo khi đang đổ bê tông xây dựng tầng 5 của một căn nhà tại phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang khiến 3 CN rơi từ trên cao xuống đất tử vong; 2 anh em ruột là nhà thầu và giám sát thi công bị khởi tố hình sự cuối tháng 5-2019 hay như vụ TNLĐ khiến 1 người chết và 2 người bị thương xảy ra cách đây ít lâu tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Nhiều người chưa quên trường hợp ông L.Đ.H có nhận thầu xây dựng một nhà nuôi yến tại Đồng Nai và thuê 6 CN thi công công trình. Ngày 19-12-2018, khi 3 CN đang tô tường trên cao thì giàn giáo bị gãy khiến tất cả rơi xuống đất. Hậu quả, anh V.H (SN 1985, ngụ ở tỉnh Đồng Nai) tử vong tại bệnh viện do bị chấn thương ngực kín, tràn máu màng phổi, 2 CN khác bị chấn thương vùng đầu, lưng, tay, chân.

Vụ án đã được khởi tố và TAND TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử mới đây. Tại tòa, nhiều sai phạm của ông L.Đ.H đã được chỉ rõ. Đó là: Không trang bị cho NLĐ các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm; không thực hiện các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, thiết bị để loại trừ hoặc hạn chế tối đa yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động theo quy định của Luật AT-VSLĐ, từ đó gây hậu quả chết người. Vì những vi phạm đó, ông H. đã bị kết án 1 năm tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 2 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

NLĐ phải tự bảo vệ mình

"Hậu quả TNLĐ không chỉ ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, tinh thần và thu nhập của NLĐ mà còn còn khiến doanh nghiệp bị thiệt hại bởi chi phí bồi thường không nhỏ. Để phòng ngừa TNLĐ, cả NLĐ và NSDLĐ phải có ý thức tuân thủ các quy định của Luật AT-VSLĐ. Đặc biệt, NLĐ biết tự bảo vệ mình thông qua việc tuân thủ đúng quy định về ATLĐ, tham gia các khóa huấn luyện về AT-VSLĐ. Ngoài ra, NLĐ cần kịp thời báo cáo với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây mất ATLĐ và từ chối nếu điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn" - ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, khuyến nghị.

MAI CHI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/tra-gia-vi-coi-thuong-an-toan-lao-dong-20200207201703268.htm