Trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án liên quan đến sai phạm ở dự án nghìn tỷ

Sau hai lần mở phiên tòa xét xử các bị can 'Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng', Tòa án đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì kết quả giám định tư pháp chưa thuyết phục.

Ngày 20/9, tin từ TAND tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung kết quả giám định tư pháp nhằm xác định thiệt hại trong vụ án liên quan đến sai phạm ở Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải, Tiểu dự án TP Đồng Hới thuộc Ban Quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới. (BQL dự án). Dự án này có tổng mức đầu tư 58,1 triệu USD từ nguồn vốn Ngân hàng thế giới WB.

Ban quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới nơi xảy ra sai phạm

Ban quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới nơi xảy ra sai phạm

Liên quan đến dự án này, ngày 26/5/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ban Quản lý dự án Môi trường và biến đổi khí hậu TP Đồng Hới. Khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Thuận (SN 1957), trú phường Đồng Phú, TP Đồng Hới nguyên giám đốc BQL dự án; Lê Anh Tuân (SN 1972), Phó Giám đốc BQL dự án; Nguyễn Văn Tuấn (SN 1987) cán bộ kỹ thuật; Nguyễn Văn Linh (SN 1989), cán bộ kỹ thuật. Cả 4 đối tượng đều bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị can bị Công an Quảng Bình khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Các bị can bị Công an Quảng Bình khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Công an tỉnh Quảng Bình cũng thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Thái Vĩnh Tính (SN 1958), nguyên Giám đốc Chi nhánh Miền Trung thuộc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn trú tại Phường 1, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Thái Vĩnh Tính đã mạo danh là Giám đốc Trung tâm dò tìm xử lý bom mìn vật nổ, sử dụng tài liệu, hồ sơ giả đấu thầu, ký hợp đồng thi công với BQL dự án và được đơn vị này nghiệm thu, thanh toán để đối tượng chiếm đoạt số tiền hơn 604 triệu đồng.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình tiến hành khám xét nhà và nơi làm việc của các đối tượng liên quan đến vụ án.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình tiến hành khám xét nhà và nơi làm việc của các đối tượng liên quan đến vụ án.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Bình, năm 2018, BQL dự án được UBND tỉnh Quảng Bình giao làm đại diện chủ đầu tư trực tiếp quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện 2 gói thầu thuộc nguồn vốn đối ứng, vốn vay Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á gồm: gói thầu DH-3.1 rà phá bom mìn, vật liệu nổ thuộc Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải, Tiểu dự án TP Đồng Hới; gói thầu D/NC1 rà phá bom mìn thuộc Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới.

Trong quá trình thực hiện 2 gói thầu trên, Nguyễn Văn Thuận, Lê Anh Tuân, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Linh đã cho phép nhà thầu (Chi nhánh miền Trung thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn) tổ chức thi công khi mới ký hợp đồng nguyên tắc, chưa ký hợp đồng chính thức; cho phép đơn vị thi công rà phá bom mìn trên hiện trường khi chưa có phương án kỹ thuật thi công được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thi công khi chưa ký kết hợp đồng với đơn vị có chức năng giám sát; nghiệm thu, thanh toán đối với khối lượng thực hiện khi không có phương án thi công được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không thực hiện hoạt động nghiệm thu trên hiện trường. Số tiền BQL dự án nghiệm thu, thanh toán khống cho đơn vị thi công đối với 2 gói thầu DH-3.1, DH/NC1 trên 7,4 tỷ đồng.

Tòa án quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung liên quan đến sai phạm ở dự án.

Tòa án quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung liên quan đến sai phạm ở dự án.

Trong phiên xét xử sở thẩm ngày 13/9, Tòa án tỉnh Quảng Bình đã quyết định tạm dừng phiên tòa 5 ngày để có xác minh, làm rõ các chứng cứ, hồ sơ, tài liệu về kết quả giám định tư pháp trong vụ án.

Tiếp đó, ngày 19/9, giám định viên tư pháp đã cung cấp các hồ sơ, chứng chỉ hành nghề liên quan đến điều kiện, năng lực giám định tư pháp. Tuy nhiên, bên cạnh việc không có chứng chỉ hành nghề xây dựng, các chứng chỉ hành nghề khác của giám định viên Nguyễn Phước Khoa theo quy định của pháp luật đến thời điểm được trưng cầu giám định theo quyết định của cơ quan điều tra đã hết giá trị pháp lý (các chứng chỉ hành nghề hết giá trị từ cuối năm 2013).

Ngày 20/9, TAND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Việc giám định tư pháp nhằm mục đích xác định thiệt hại trong vụ án là cần thiết để xác định tội danh và khung hình phạt của các bị cáo. Vì vậy, chủ tọa phiên tòa đã quyết định trả hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh để điều tra bổ sung vấn đề: Trưng cầu người hoặc tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có đủ điều kiện, năng lực theo quy định của pháp luật để thực hiện giám định lại và có kết luận chính xác.

Sông Lam-Lam Hồng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/tra-ho-so-de-dieu-tra-bo-sung-vu-an-lien-quan-den-sai-pham-o-du-an-nghin-ty-i668103/