Trả lại không gian chung của vỉa hè

Sau nhiều đợt cơ quan chức năng đồng loạt ra quân, tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, quyết liệt với hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở nhiều nơi trên địa bàn TP Thanh Hóa, nhưng tình trạng này vẫn như 'đánh trống, bỏ dùi'.

Vỉa hè - nơi vốn dành cho người đi bộ nhưng từ lâu không biết vô tình hay cố ý mà vỉa hè lại “được” không ít hộ gia đình ngang nhiên “sở hữu" thành của riêng để phục vụ vào nhiều mục đích... Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 4887/UBND-KTTC chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện một số nội dung nhiệm vụ. Trong đó, nhấn mạnh việc chấn chỉnh và nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giải tỏa, xóa bỏ, xử lý các chợ tự phát, tụ điểm kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông. Lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở, nhưng việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Vỉa hè bị người dân “chiếm dụng” làm nơi kinh doanh. Ảnh chụp ngày 9/10 tại đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa.

Vỉa hè bị người dân “chiếm dụng” làm nơi kinh doanh. Ảnh chụp ngày 9/10 tại đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa.

Theo ghi nhận của phóng viên mới đây tại một số tuyến phố như: Trường Thi, Hàn Thuyên, Đào Duy Từ, Lê Hữu Lập, Đông Hương, Hải Thượng Lãn Ông, Đông Vệ... tình trạng hàng quán ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi bày bàn ghế, căng dù, bạt, đặt biển quảng cáo, dừng đỗ phương tiện... gây cản trở, mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị diễn ra khá phổ biến.

Anh Kiên (trú tại phường Điên Biên, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Giờ làm gì còn chỗ cho người dân chúng tôi đi bộ, vỉa hè chỗ thì bày hàng, chỗ là nơi chứa vật liệu xây dựng, hay là “bãi” để xe của khách... Nhiều lúc muốn đi bộ tập thể dục cũng khó. Vào công viên thì các hộ kinh doanh “vô tư” chiếm dụng các ghế đá “công cộng” làm chỗ ngồi cho “thượng đế” uống trà đá. Không biết từ bao giờ, không gian công cộng lại trở thành “lãnh thổ riêng” như vậy. Mặc dù, các cơ quan chức năng ở phường vẫn có những đợt ra quân nhằm “trả lại” vỉa hè, không gian công cộng nhưng chỉ sau một thời gian “đâu lại vào đấy”.

Vỉa hè trên phố Lê Lai (phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) thường xuyên bị chiếm dụng.

Vỉa hè trên phố Lê Lai (phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) thường xuyên bị chiếm dụng.

Cũng chia sẻ với nhiều người dân vì cuộc sống mưu sinh phải “bám” vỉa hè để kiếm kế sinh nhai, chị Linh (trú tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) bộc bạch: “Bản thân mình cũng rất thông cảm với những người dân vì cuộc sống, không có nhà mặt đường hoặc không có kinh phí thuê mặt bằng nên phải “bám” vỉa hè để kinh doanh. Hay nhiều “thượng đế” thay vì ăn uống trong các nhà hàng, quán ăn lại thích thú với việc được trải nghiệm phong cách ăn uống ở vỉa hè cho thoáng, thoải mái. Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ khác, vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ mà còn là trật tự đô thị, văn minh của một thành phố. Chưa kể, nhiều hộ kinh doanh ở vỉa hè thiếu ý thức trong việc giữ gìn, bảo vệ tài sản công cũng như gây ô nhiễm môi trường, xả rác bừa bãi”.

Nhiều vỉa hè tại TP Thanh Hóa bị lấn chiếm để kinh doanh.

Nhiều vỉa hè tại TP Thanh Hóa bị lấn chiếm để kinh doanh.

Chị Y - một tiểu thương kinh doanh hàng ăn tâm sự: “Cũng chỉ vì miếng cơm manh áo chúng tôi mới phải như vậy, chẳng phải chúng tôi bán ở vỉa hè mà kể cả những cửa hàng kinh doanh có nhà cũng muốn lấn chút vỉa hè để thu hút khách hàng ghé xem hàng cho tiện, không bị che khuất tầm nhìn.”

Mặc dù có rào chắn nhưng vỉa hè trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn trở thành “quán giải khát”.

Mặc dù có rào chắn nhưng vỉa hè trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn trở thành “quán giải khát”.

“Cuộc chiến” trả lại giá trị thực cho vỉa hè vẫn là bài toán khó đối với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ không thể giải quyết triệt để được, nếu tổ chức, cá nhân đều đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của cộng đồng thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè sẽ không có hồi kết. Việc lấn chiếm vỉa hè không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn làm xấu đi hình ảnh của một thành phố văn minh.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có chế tài “đủ mạnh” xử phạt nghiêm minh hành vi chiếm dụng vỉa hè, trả lại vỉa hè - không gian sinh hoạt chung cho Nhân dân trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia phát hiện, phản ánh, đấu tranh với các hành vi vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường trên địa bàn nơi học tập, công tác và cư trú.

Bài, ảnh: Phú Lan

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tra-lai-khong-gian-chung-cua-via-he-nbsp-nbsp-33388.htm