Trả lại không gian ven biển - Bài 4: Giải pháp nào cho không gian ven biển? (Tiếp theo và hết)
Với quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển là động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm sự hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế, tự nhiên và cộng đồng dân cư, gắn với bảo vệ, tôn tạo và nâng cao giá trị các cảnh quan, sinh thái, môi trường, bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển, trên cơ sở công bằng, bình đẳng theo pháp luật.
Không gian ven biển, bộ mặt đô thị đáng sống
Anh Lê Đức Dương sinh sống gần 40 năm ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã chứng kiến biết bao sự thay đổi, song có một điều luôn hiện diện trong ký ức đó là biển Nha Trang là những trảng cát mênh mông hoang sơ, không gian biển thật êm đềm, với những dãy núi xa xa vòng cung phía Tây như con rồng uốn lượn, con sông Cái hiền hòa chảy về biển chia đôi thành phố, ngoài vịnh là các dãy đảo xanh: Hòn Rùa, hòn Yến, hòn Tre, hòn Miễu nên thơ.
Còn ở phía đông đường Trần Phú (trước là đường Duy Tân) thì trồng những cây dương, dừa, bàng; làm bờ kè đá; dựng lan can bờ rào tạo công viên xanh trên bãi cát. Dù bờ biển còn hoang sơ nhưng theo quy hoạch ở bờ Đông đều rất cẩn thận trong xây dựng. Nhiều người sống ở đây lâu năm vẫn nhớ ở ven bãi biển bên những hàng dừa, hàng dương xây dựng các bar (quầy giải khát nhỏ) để phục vụ du khách uống đồ nhẹ. Nên người Nha Trang vẫn có thói quen lấy những công trình cũ này để nói vị trí trên bờ biển: “Bar số 1-trước Sở Tài chính”; “Bar số 2-trước đường Yersin”; “Bar số 3-trước đường Lý Tự Trọng”. Ngoài bar ra, hoàn toàn không có có nhà hàng, quán ăn nên bất cứ ai ra biển đều có thể ngắm biển thoải mái không bị vướng tầm mắt do những công trình nhân tạo mọc lên. Lý giải vấn đề này để minh chứng cho việc từ rất lâu những người ở Nha Trang là người Pháp hay người Việt Nam đều cẩn thận về không gian biển, luôn tôn trọng quy luật vàng: “Không được chắn tầm mắt mọi người khi ra biển”. Chính điều đó làm cho người Nha Trang luôn có chung suy nghĩ: “Mọi con đường đều hướng ra biển!”.
Do vậy, thời gian vừa qua, khi UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo kiên quyết thu hồi một số công trình chắn biển đã nhận được sự ủng hộ từ phía người dân. Tương tự, TP Quy Nhơn (Bình Định) cũng trong tình trạng như vậy. Hầu hết người dân địa phương ở dải ven biển miền Trung đều ủng hộ quan điểm “trả lại không gian ven biển”. Bởi việc giải tỏa các công trình ven biển để hướng đến làm công viên sinh thái, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho du lịch địa phương. Điều này vừa giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa tạo cảnh quan ven biển xanh, sạch, đẹp, phục vụ tốt hơn nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân địa phương lẫn du khách. Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định khẳng định: “Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là để cho dân được hưởng lợi, không giao cho bất cứ nhà đầu tư nào, để bất kỳ ai xuống biển cũng được. Tuy nhiên, việc di dời, giải tỏa các khách sạn ven biển cần phải có lộ trình phù hợp, đúng quy định chứ không thể sáng nói, chiều dời làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn”.
Thông tin từ đồng chí Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tiến hành lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan, như: Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu... Theo đó, đối với những nơi cơ quan, doanh nghiệp trả lại không gian ven biển, tỉnh Khánh Hòa sẽ có những định hướng quy hoạch cụ thể và ưu tiên theo hướng quy hoạch, đầu tư xây dựng dải công viên xanh ven biển, quảng trường trung tâm kết hợp dịch vụ phục vụ cộng đồng, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của hoạt động du lịch địa phương. Sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tỉnh Khánh Hòa sẽ chỉ đạo cụ thể về lộ trình thực hiện cải tạo không gian ven biển.
Cần những bước đi, quy hoạch hợp lý
Giai đoạn 2006-2013, TP Đà Nẵng giao hàng chục dự án án ngữ phía Đông trục đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa cho các chủ đầu tư. Địa bàn Quận Ngũ Hành Sơn có khoảng 10km ven biển nhưng rất ít lối xuống biển, dự án chiếm mặt biển có mật độ dày đặc từ khu vực Sao Biển đến giáp ranh địa bàn tỉnh Quảng Nam khiến người dân bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết: “Khắc phục những sai sót đó, từ năm 2018, để tạo không gian công cộng, ven biển phục vụ cho người dân sinh hoạt, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Thông báo số 331-TB/TU ngày 31-01-2018 về Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại cuộc họp ngày 23-1-2018, trong đó, có nội dung liên quan đến lối xuống biển và quy hoạch một số khu vực khác ven biển. Thực hiện chủ trương của thành phố, đến nay, các sở, ban, ngành đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng: 10 bãi tắm công cộng; 5 lối xuống biển trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương, lối xuống biển giữa dự án khách sạn Furama và Ariyana, lối xuống biển phía Nam dự án Silver Shore, lối xuống biển tại khu vực phía Bắc dự án The Song, lối xuống biển phía Nam dự án Future Property Invest) và 1 quảng trường kết hợp đậu xe cuối đường Hà Khê.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay vẫn còn các nhà hàng Mỹ Hạnh, For You, Phước Mỹ 2 và hơn chục nhà hàng khác chiếm khá lớn diện tích không gian bờ biển trên tuyến đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng gây mất mỹ quan đô thị ven biển này là vấn đề nan giải do lịch sử để lại.
Tại Khánh Hòa, đối với những dự án đầu tư, cơ sở nhà đất ven biển chậm tiến độ hoặc hoạt động không hiệu quả, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, rà soát, xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở xem xét thu hồi dự án, thu hồi đất để trả lại không gian ven biển cho địa phương, tránh lãng phí nguồn tài nguyên quý giá và cơ hội phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cụ thể, đối với các dự án đầu tư, cơ sở nhà đất (không có dịch vụ lưu trú du lịch) trước đây đã được cấp có thẩm quyền cho nhà đầu tư thuê để triển khai dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh: Tỉnh Khánh Hòa cho phép nhà đầu tư tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh theo thời hạn hoạt động của dự án, thời hạn giao đất, cho thuê đất còn lại. Việc xem xét gia hạn hoạt động và gia hạn thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư, cơ sở nhà đất nêu trên chỉ được thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định khác có liên quan. Còn đối với các dự án đầu tư, cơ sở nhà đất (có dịch vụ lưu trú du lịch) trước đây đã được cấp có thẩm quyền cho nhà đầu tư thuê để triển khai dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh: Tỉnh Khánh Hòa kiên quyết thực hiện chủ trương di dời để trả lại không gian biển, không gian công cộng cho người dân theo lộ trình và bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật; không thực hiện thủ tục gia hạn hoạt động hoặc gia hạn thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư, cơ sở nhà đất có dịch vụ lưu trú du lịch tại khu vực trung tâm du lịch có không gian ven biển. Ngoài ra, đối với các khu vực khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh (ví dụ như khu vực bãi biển dọc đường Trần Phú, TP Nha Trang, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh), Khánh Hòa chủ trương quy hoạch, đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối thẳng xuống bãi biển để tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các hoạt động công cộng như tham quan, đi dạo, tắm biển.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho rằng, hành lang bảo vệ ven biển nên được giữ gìn như không gian xanh công cộng mà mọi người dân đều có thể tiếp cận. Khu vực ven biển chỉ có thể giao cho tư nhân sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt, trong đó không ảnh hưởng đến đô thị thì có thể cho thuê gia hạn theo từng năm, không nên giao cho thuê dài hạn...
"Chính quyền cần điều phối để tránh những hình thức tư nhân lạm dụng vì lợi ích riêng mà xâm phạm lợi ích chung, lấy khu đất ven biển làm của riêng hoặc kinh doanh nhưng không đóng thuế hay đóng thuế rẻ như cho, làm mất nguồn thu ngân sách để làm hạ tầng”, Tiến sĩ khoa học Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: “Các loại đất ven biển đều phải thực hiện theo quy hoạch và tất cả chính sách của Nhà nước liên quan cũng phải được xem xét đưa vào quy hoạch. Quy hoạch phải bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân tại khu vực đó, cũng như lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước...”.