Trả lại tên cho các liệt sĩ

Việc hình thành Ngân hàng gene (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân được xem là giải pháp 'trả lại tên' cho gần 300.000 liệt sĩ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa chủ trì tổ chức hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gene (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Trước 400 đại biểu người có công, thân nhân liệt sĩ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở về việc vẫn còn gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

Mệnh lệnh từ trái tim

Theo số liệu thống kê từ Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng, trải qua các thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, cả nước có hơn 1,2 triệu liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng đến nay còn rất nhiều gia đình liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy phần mộ của người thân. Sau nhiều năm triển khai công tác tìm kiếm, quy tập, 900.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập, trong đó hơn 300.000 ngôi mộ chưa xác định được thông tin.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cho biết thời gian qua, bộ đã chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, các cơ quan, chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, đề ra các giải pháp nhằm tăng cường xử lý vấn đề xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Trong đó, đã tiếp nhận và khai thác kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh để xác định địa điểm liệt sĩ hy sinh, phục vụ cho việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương. Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người mẹ; những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, em, vợ, chồng, cha, mẹ mình…

Việc thực hiện lấy mẫu ADN cho toàn bộ thân nhân của các liệt sĩ chưa xác định được danh tính, phần mộ để lưu trữ trong ngân hàng gene sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Điều này không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.

Đây là việc làm rất có ý nghĩa, linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài. Song, đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan, chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ.

Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150 - Chính phủ phê duyệt năm 2013) được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết từ nay đến hết năm 2026, tất cả khu nghĩa trang liệt sĩ, những mộ chưa xác định được thông tin có điều kiện sẽ tìm kiếm; sẽ nhập các thiết bị, máy móc mới nhất hoặc liên kết với Mỹ và Hà Lan về xác định ADN. "Với sự quyết tâm của Ban Chỉ đạo 515 (Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ), sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho các gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ" - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh Hà Giang thực hiện nghi thức an táng hài cốt các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Ảnh: PHI ANH

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh Hà Giang thực hiện nghi thức an táng hài cốt các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Ảnh: PHI ANH

Đồng cảm và thấu hiểu

Về công tác kỹ thuật xác định danh tính liệt sĩ, Chính phủ đã phân công Bộ Quốc phòng hướng dẫn quy trình, điều kiện tiếp cận mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin để thực hiện giám định ADN xác định danh tính. Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tài chính có nhiệm vụ hoàn thành định mức kỹ thuật, đơn giá cho các khâu tìm kiếm, quy tập, giám định ADN với các hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và thân nhân. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong đó có Trung tâm Giám định ADN, nhận việc hoàn thành dự án đầu tư nâng cao năng lực áp dụng các phương pháp mới giám định ADN bằng nguồn vốn ODA.

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công, nhận định hầu hết hài cốt liệt sĩ chôn cất trên 50 năm, thực hiện di chuyển một số lần. Vì vậy, nhiều hài cốt không lấy được mẫu để phân tích hoặc lấy được mẫu nhưng chất lượng ADN tổng hợp được không đạt để so sánh, đối khớp với thân nhân. Tuy nhiên, hiện xu hướng thế giới với sự phát triển công nghệ phân tích hiện đại với máy giải trình tự gene thế hệ mới kết hợp công nghệ phân tích vi sinh học, việc giám định ADN từ mẫu xương cổ được phân tích theo gene nhân sử dụng công nghệ mới. "Ứng dụng công nghệ mới về khai thác ADN xương cổ được phối hợp Viện Khảo cổ học nhằm xác định nguồn gốc di truyền với mẫu xương có niên đại vài trăm năm đến ngàn năm. Đây là cơ sở tiếp tục phát triển giám định mẫu ADN xương cổ các liệt sĩ có thời gian chôn lấp đưa vào giám định từ 40 - 80 năm" - ông Lợi nói.

Phát biểu tại hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gene (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ ngày 23-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chúng ta tri ân gần 1,2 triệu người con ưu tú đã dũng cảm xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu và hy sinh quên mình, trong đó rất nhiều người tuổi đời mới mười tám đôi mươi, để lại phía sau bao ước mơ, hoài bão còn dang dở, những trang sách, giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương để lên đường thực hiện nhiệm vụ, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

"Chúng ta tri ân biết bao người đã mãi mãi không trở về, máu thịt các anh chị đã hòa quyện vào hồn thiêng sông núi. Chúng ta đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ sâu sắc với biết bao nỗi đau vẫn in hằn, biết bao vết thương vẫn ngày đêm đau nhức; biết bao ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những người thân chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, em, vợ, chồng, cha, mẹ mình…" - Thủ tướng nói.

Dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo người có công và thân nhân với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả, cố gắng hết sức trong điều kiện có thể nhưng chúng ta vẫn không khỏi day dứt, trăn trở khi nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính.

60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin sẽ được xác định

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc ra mắt Ngân hàng gene liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN được khoảng 20.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết từ năm 2013 đến 2023, cả nước đã vận động gần 7.900 tỉ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỉ đồng, 2.412 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tra-lai-ten-cho-cac-liet-si-196240726213331204.htm