Trà Leng ngày trở lại

Gần 2 tháng sau vụ sạt lở khủng khiếp xảy ra ở thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), cuộc sống của người dân nơi đây đã dần ổn định.

Khu tái định cư mới cho người dân thôn 1, xã Trà Leng.

Khu tái định cư mới cho người dân thôn 1, xã Trà Leng.

Chính quyền đã bố trí tái định cư, xây dựng nhà cho người dân. Thế nhưng, trong sâu thẳm trái tim của người dân nơi đây, cơn thịnh nộ của đất trời đã chôn vùi người thân, gia đình họ vào ngày 28/10/2020 sẽ không bao giờ nguôi ngoai.

Nỗi đau của người M’nông

Ông Hồ Văn Đề ngồi buồn bã bên di ảnh người con bị mất tích sau vụ sạt lở.

Ông Hồ Văn Đề ngồi buồn bã bên di ảnh người con bị mất tích sau vụ sạt lở.

Chiều cuối năm, chúng tôi quay trở lại thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), nơi xảy ra vụ sạt lở núi kinh hoàng, khiến hàng chục người chết và mất tích vào ngày 28/10. Đường vào thôn 1 xã Trà Leng giờ đây đã thông thoáng, xe có thể chạy thẳng vào trong làng. Cơn mưa rừng chiều cuối năm cứ rả rích, kéo theo lạnh lẽo và u buồn. Cái lạnh lẽo và u buồn ở nơi đây như nỗi lòng của người Trà Leng lúc này.

Ghé vào điểm trường nóc Ông Lục, nơi cư trú của hàng chục người dân thôn 1 sau khi mất hết nhà cửa do vụ sạt lở gây ra. Những phòng học được trưng dụng để làm nơi ở và sinh hoạt tạm của hàng chục hộ dân.

Buồn bã là những tâm trạng của người dân nơi đây lúc bấy giờ. Sở dĩ những người nơi đây buồn vì đến thời điểm này, hàng chục người thân của họ vẫn còn bị mất tích chưa được tìm thấy.

Người M’nông đến giờ này người dân vẫn chưa thể tin rằng buổi chiều 28/10 định mệnh đó, cái ngày mà thiên tai ập đến, đất, đá, nước… ồ ạt đổ xuống sau tiếng nổ lớn, rồi san phẳng một ngôi làng vùi lấp hàng chục ngôi nhà, cướp đi hàng chục sinh mạng của người dân chân chất.

Ngồi bên cạnh đóm lửa sưởi ấm để xua đi cái lạnh lẽo ngày cuối năm, anh Nguyễn Xuân Vũ chợt bật khóc khi nhớ về 2 đứa con nhỏ của mình đã mất tích trong vụ sạt lở, đến giờ vẫn chưa tìm ra thi thể.

Vừa khóc anh Vũ vừa nói: “Không biết giờ con tôi đang ở đâu trong đó (sạt lở - PV) nữa. Hôm nào tôi cũng đi về lại nơi nhà cũ rồi đi xung quanh với hy vọng tìm được thi thể của con con tôi, nhưng không thấy chi hết. Sạt lở đất đá đổ xuống quá nhanh, chừ nghĩ lại giây phút đó tôi sợ lắm. 2 con gái nhỏ của tôi cũng mất trong vụ sạt lở này”.

Đứng từ xa cũng thấy rõ cảnh tượng hoang tàn, trận lũ quét gây ra sạt lở vào ngày 20/18 đã san phẳng một ngôi làng với hàng chục ngôi nhà nơi đây. Mọi tài sản đã bị cuốn trôi xuống dòng sông Leng.

Nhìn từ xa, chúng tôi thấy ông Hồ Văn Đề đang đi bộ từ nơi nhà cũ về. Những người nơi đây cho biết, mỗi ngày ông Đề đều đi bộ từ điểm trường nóc Ông Lục về ngôi làng cũ để thắp hương khấn vái trời đất, cầu mong tìm thấy được 5 người trong gia đình ông còn đang mất tích sau sạt lở.

Theo anh Vũ, cứ như vậy, bất chấp trời mưa hay nắng, hằng ngày ông Đề vẫn một mình đi về nơi làng cũ ngóng chờ tin tức của người thân, rồi đi tìm họ mặc dù biết họ sẽ mãi không về nữa.

Trời chập choạng tối, cơn mưa rừng ngày càng nặng hạt hơn, đây cũng là lúc ông Đề chầm chậm đi trở về điểm trường nóc Ông Lục sau một ngày mệt mỏi.

“Mấy đứa con cháu của bố bỏ bố đi chẳng về, bố nhớ lắm. Giờ không biết tụi nó ở đâu để tìm nữa con à. Bố thương và nhớ quá nên bố đi tìm chúng nó. Cả nhà bố mất 8 đứa nhưng chỉ tìm được 3 đứa, còn 5 đứa nữa vẫn chưa tìm được. Đau xót lắm con nạ”, ông Đề bật khóc.

Vừa nói ông Đề vừa lấy trong ba lô ra vài tấm ảnh của những người con của ông, những tấm ảnh ông tìm lại được trong đống bùn đất của vụ sạt lở khủng khiếp vào chiều 28/10.

Chỉ tay vào những di ảnh của các con, ông Đề nói: “Sạt lở cuốn trôi hết, con của bố cũng bị cuốn trôi đi. Bố tìm được những tấm ảnh này trong nhà cũ sau sạt lở. Bố nhờ người phóng ảnh này ra để nếu có tìm thấy con bố thì bố dùng ảnh này để thờ”.

Tái thiết cuộc sống người dân sau tai họa

Thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giờ đã bị vùi trong lớp đất đá.

Thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giờ đã bị vùi trong lớp đất đá.

Ông Đề tâm sự: “Rẫy, ruộng giờ bố bỏ cả, tài sản của bố cũng mất sạch. Bây giờ, bố có làm cũng không ai ăn, bố chỉ thương mấy đứa con cháu của bố thôi. Bố thương và nhớ chúng nó lắm con à. Không biết khi nào bố mới tìm được nó nữa”.

Cũng chung tâm trạng với ông Đề, anh Vũ cứ như người “vô hồn” khi nhớ lại hình ảnh của hai đứa con thơ dại của mình. Bếp lửa anh Vũ ngồi sưởi ấm cơ thể đang rực cháy, thế nhưng cái ấm mà lửa mang lại vẫn không thể xua đi cái lạnh giá trong tâm trí của người M’nông.

“Cơn thịnh nộ” của đất trời đã khiến cho người M’nông ở Trà Leng rơi vào cảnh chia lìa, cha mẹ xa con, vợ xa chồng, con cái mất cha mẹ… Cuộc sống của họ bao đời nay vốn yên bình, bỗng chốc tan biến sau khi thiên tai ập đến.

Để ổn định cuộc sống của người dân sau vụ sạt lở, mới đây huyện Nam Trà My đã tổ chức lễ khởi công khu tái định cư cho đồng bào bị mất nhà cửa do bão lũ gây ra ở Trà Leng.

Theo đó, ngay sau khi sự cố thiên tai khiến cho hàng chục hộ dân xã Trà Leng bị vùi lấp, cuốn trôi nhà cửa cùng tài sản, huyện Nam Trà My đã tiến hành khảo sát chọn địa điểm để lập khu tái định cư cho bà con.

Đến nay, huyện Nam Trà My đã chọn được vị trí bãi đất an toàn với diện tích 6 héc-ta tại thôn 2 xã Trà Dơn và nằm cách UBND xã Trà Leng khoảng 800 mét để xây dựng khu tái định cư cho người dân. Tại khu vực này sẽ phân 80 lô đất, mỗi lô có diện tích 200 mét vuông.

Trước mắt huyện sẽ hỗ trợ kinh phí làm nhà cho 51 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 xã Trà Leng đến tái định cư với mức 150 triệu đồng/1 hộ từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn ủng hộ của mạnh thường quân cả nước.

Ngay sau khi thi công xong mặt bằng, huyện Nam Trà My sẽ tập trung đầu tư hạ tầng dân sinh như điện, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hóa, đường giao thông liên gia để bà con sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Chiều Trà Leng, những cơn mưa rừng trút xuống càng nặng hạt hơn. Giờ đây, đối với người M’nông ở Trà Leng, mỗi khi mưa lớn người dân lo sợ vô cùng. Lo sợ một lần nữa cơn thịnh nộ của đất trời lại “kéo đến” tìm họ.

Giờ đây, niềm an ủi lớn lao nhất với người M’nông ở Trà Leng lúc này chính là tìm thấy thi thể của người thân họ để đưa trở về với gia đình, trở về với người thân sau bao ngày nằm lạnh dưới lớp bùn đất.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tra-leng-ngay-tro-lai-C1lmxeaMR.html