Trả lời cộc lốc khi đi xin việc, nam sinh bị nhà tuyển dụng 'phán' cho một câu nhớ đời
Mặc dù đang đi xin việc, thế nhưng cách nói chuyện cộc lốc, vô phép tắc của nam sinh này đã nhận về hàng loạt ý kiến chỉ trích từ nhà tuyển dụng cũng như dân mạng.
Tìm kiếm một công việc làm có mức thu nhập ổn định, lâu dài và thích hợp với lịch học luôn là mơ ước của đông đảo các cô cậu sinh viên. Bên cạnh việc có thể trang trải được phần nào chi phí đắt đỏ nơi thành phố thì chính những va chạm trong quá trình làm việc cũng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các bạn trẻ, đặc biệt là quá trình xin việc làm chính thức sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên việc ít tiếp xúc với nhà tuyển dụng cũng khiến cho quá trình nộp CV hay trao đổi, phỏng vấn xin việc của một số bạn trẻ gặp phải không ít những khó khăn, một vài trường hợp trong số này thậm chí còn nhận về nhiều ý kiến chỉ trích từ dân mạng. Điển hình như trường hợp của nam sinh trong câu chuyện đang được chia sẻ ít ngày gần đây.
Theo đó dòng tin nhắn xin việc của nam sinh 2000 này đã được chụp lại và đăng tải lên mạng xã hội. Thay vì nói chuyện khiêm tốn, dạ thưa khi cả hai đều chưa có cơ hội gặp mặt trực tiếp ngoài đời với nhau, thì thái độ bất cần, nghĩ mình là "ngôi sao" của nam sinh lại khiến cho nhà tuyển dụng lẫn cư dân mạng bức xúc.
Chẳng dạ thưa hay có chủ ngữ, vị ngữ gì trong tin nhắn, nam sinh này bình thản trả lời một cách trống không như “Alo”, “Ở bạn cần tuyển nhân viên không”, “Việc tại nhà”. Chính những điều này đã khiến cho nhà tuyển dụng tỏ ra lắc đầu ngao ngán ngay từ lần đầu tiếp xúc chứ đừng nói gì đến việc cùng hợp tác phát triển.
Và để dạy nam sinh bài học nhớ đời cho thái độ hống hách khi nói chuyện với người khác, nhà tuyển dụng này đã tuyên bố thẳng thừng một điều có lẽ sẽ khiến anh chàng khắc cốt ghi tâm: “Bạn nên xem lại cách ăn xong thì đi xin việc”.
Ngay sau khi được chia sẻ, hình ảnh về cách đi xin việc thiếu lịch thiệp đã nhận về vô số ý kiến phản hồi từ cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng, có thể việc chỉ mới 20 tuổi và đi xin việc lần đầu đã dẫn đến tình huống oái ăm kể trên.
Thế nhưng số khác thì lại cho rằng, cách cư xử, thái độ nói chuyện lại xuất phát từ chính bản chất mỗi người, cách giáo dục từ nhỏ cho đến khi trưởng thành chứ chưa hẳn phải là kinh nghiệm khi vào đời.
- “Gặp mình mà nói chuyện cộc lốc như thế thì cho bay ngay từ câu đầu tiên rồi, chứ không phải nhã nhặn đợi đến như thế đâu”.
- “Chẳng hiểu sao nhiều sinh viên bây giờ đi xin việc toàn thái độ như thế, đi xin chứ đâu phải được mời đâu mà kêu căng chứ”.
- “Chỉ mới 20 tuổi đầu mà cứ như sếp tổng, chắc tưởng đâu mình giỏi và nhà tuyển dụng cần lắm không bằng, thật chẳng hiểu được”.