Trả lời cử tri về lĩnh vực nông, lâm, thủy sản
Trước kỳ họp lần thứ 12, HĐND tỉnh khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021), nhiều cử tri nêu ý kiến, kiến nghị liên quan đến ngành y, nôn , lâm, thủy sản. UBND tỉnh đã tổng hợp các ý kiến giải trình, Báo An Giang trích đăng để thông tin đến bạn đọc.
Cần hỗ trợ hợp tác xã (HTX) đăng ký nhãn hiệu hàng hóa lúa, nếp đạt chất lượng
Theo đó, các bên tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đáp ứng đồng thời các điều kiện sẽ được hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ: nhãn hiệu cá thể không quá 1 triệu đồng/nhãn hiệu, không quá 10 văn bằng/cơ sở; hỗ trợ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận: không quá 5 triệu đồng/nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể, không quá 5 văn bằng/tổ chức.
Ngoài ra, theo nội dung của Đề án đổi mới phát triển HTX, tổ hợp tác trong nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2017-2020 đã được phê duyệt, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho HTX để xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, với mức hỗ trợ 25 triệu đồng/lần/HTX. Do đó, nếu các HTX có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu hàng hóa lúa, nếp có thể liên hệ trực tiếp Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để được hướng dẫn.
Từ năm 2005, quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được thành lập đã hỗ trợ cho nhiều HTX vay vốn phục vụ nhu cầu sản xuất- kinh doanh (SXKD), đáp ứng phần nào về nhu cầu vốn cho các HTX. Các năm qua, quỹ đã giải quyết cho hơn 10 HTX nông nghiệp và Liên hiệp HTX vay với số tiền trên 23 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã được sáp nhập vào quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh và chưa tiếp cận cấp tín dụng ưu đãi cho các HTX nông nghiệp. Do đó, nhằm hỗ trợ các HTX hoạt động có hiệu quả có thể tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, tạo nguồn lực phát triển các dịch vụ phục vụ nông dân và thành viên, Văn phòng UBND tỉnh có Thông báo số 330/TB-VPUBND ngày 13-8-2019 giao Liên minh HTX tham mưu thành lập Hội đồng quản lý quỹ Hỗ trợ phát triển HTX theo các quy định của Trung ương về thành lập, tổ chức và hoạt động quỹ Phát triển HTX. Dự kiến, Liên minh HTX sẽ là cơ quan thường trực hội đồng (Hội đồng là cơ quan lựa chọn HTX được hỗ trợ, tiêu chí hỗ trợ...) và thống nhất ủy thác việc điều hành, quản lý quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cho quỹ Đầu tư phát triển tỉnh.
Hướng dẫn để nông dân được tiếp cận các chính sách hỗ trợ thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 22-7-2019 về việc ban hành quy định thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để thực thi đầy đủ các chính sách của nhà nước về hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và Công văn số 821/UBND-KTN ngày 23-8-2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong việc tiếp cận chính sách. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai các nghị quyết nêu trên cho các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan trong tháng 12-2019. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng thụ hưởng trên website (http:sonongnghiep.angiang.gov.vn) để người dân thuận lợi trong việc tiếp cận.
Kiểm tra mức độ dinh dưỡng và các vấn đề khác có liên quan đến việc sản xuất thức ăn chăn nuôi ngành thủy sản
Ngày 17-12-2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 885/QĐ-SNNPTNT về phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019 và Quyết định số 896 ngày 18-12-2018 về phê quyệt danh mục kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2019.
Trên cơ sở đó, đã tiến hành kiểm tra 90 cơ sở SXKD và sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn chăn nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh, lấy 50 mẫu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Cụ thể: xác minh tính hợp pháp 34 mẫu, trong đó có 18 mẫu vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 226 triệu đồng; kiểm tra chất lượng 16 mẫu, trong đó có 3 mẫu không đạt, xử phạt 32 triệu đồng.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan tăng cường nắm bắt thông tin tình hình SXKD và sử dụng thức ăn nuôi trồng thủy sản, nhằm kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; thường xuyên kiểm tra giám sát chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm môi trường nuôi trồng thủy sản tại các cơ sở SXKD; tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở thực hiện đăng ký đầy đủ điều kiện sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm theo quy định; cơ sở kinh doanh và nuôi trồng không sử dụng các sản phẩm chưa có tên trong danh mục hoặc chưa gửi thông tin đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tra-loi-cu-tri-ve-linh-vuc-nong-lam-thuy-san-a260631.html