Trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Thực hiện đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang tại Văn bản 232/HĐND-TTDN ngày 9-7-2024 về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh trả lời các nội dung sau:I. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

- Cử tri Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè), phản ánh lịch gieo sạ thời vụ giữa xã Hậu Mỹ Bắc B và các xã giáp ranh của tỉnh Đồng Tháp, Long An không trùng nhau nên khó trong công tác chăm sóc và phòng, chống sâu bệnh. Đề nghị các ngành chức năng có hướng cho lịch thời vụ gieo sạ trùng với các xã tỉnh lân cận Long An, Đồng Tháp.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Từ năm 2015, tỉnh Tiền Giang đã có thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh Long An và Đồng Tháp, trong đó có phối hợp xác định những khu vực sản xuất cây trồng mang tính chất tương đồng để tổ chức phân công sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa lớn.

Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật chú trọng giải pháp trao đổi thống nhất, bố trí lịch thời vụ sản xuất lúa tại vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp.

Đến năm 2016 và 2017, tỉnh Tiền Giang điều hành bố trí thời lịch vụ gieo sạ theo sự thống nhất của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Cục Trồng trọt và 3 tỉnh. Theo đó, huyện Cái Bè bố trí 2 đợt xuống giống/vụ, mỗi vụ có thêm 1 lịch xuống giống sớm cho diện tích lúa tại các xã tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp.

Tuy nhiên, qua theo dõi kết quả sản xuất cho thấy diện tích xuống giống sớm cho năng suất thấp hơn (ảnh hưởng mưa trái mùa giai đoạn trổ, thời điểm lúa trổ không trùng vào tiết Xuân); việc xuống giống gối vụ còn làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Do đó, từ vụ Đông Xuân 2018 - 2019 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang và UBND huyện Cái Bè thống nhất khuyến cáo xuống giống đồng loạt 1 đợt duy nhất (chung cho các huyện phía Tây) tuyên truyền, vận động nông dân gieo sạ lúa để né rầy, đảm bảo năng suất (tránh tình trạng xuống giống sớm và bị ảnh hưởng năng suất như vụ Đông Xuân 2016 - 2017).

Về đề nghị bố trí lịch thời vụ gieo sạ trùng với các xã tỉnh lân cận, UBND tỉnh Tiền Giang xin ghi nhận và giao Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh lân cận Long An, Đồng Tháp để xây dựng lịch thời vụ sản xuất an toàn, hiệu quả, tránh ảnh hưởng mưa bão và né rầy, né lũ, đảm bảo năng suất.

- Cử tri huyện Tân Phú Đông đề nghị đầu tư xây dựng một số cống tại khu vực đê bao, quy hoạch xây dựng hệ thống đê bao gắn với giao thông.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Do nội dung kiến nghị của cử tri huyện Tân Phú Đông không cụ thể, rõ ràng, UBND tỉnh xin ghi nhận, giao UBND huyện Tân Phú Đông rà soát lại nội dung kiến nghị của cử tri, có báo cáo cụ thể gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp với các đơn vị có liên quan khảo sát và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Cử tri xã Long Bình (huyện Gò Công Tây) phản ánh hiện trạng cống Hương lộ 6 quá nhỏ (khoảng 2 m) so với lòng kinh Tiếp Nước (khoảng 15 m), nên trong quá trình cung cấp nước cho khu vực ấp Qưới An, ấp Long Hải, xã Long Bình và xã Bình Tân bị hạn chế. Đề nghị tỉnh có giải pháp nâng cấp, cải tạo để quá trình vận hành thuận lợi.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang và UBND huyện Gò Công Tây tiến hành khảo sát thực tế hiện trạng cống Hương lộ 6 tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Cử tri xã Bình Tân (huyện Gò Công Tây) phản ánh hiện nay đầu kinh Ranh tiếp giáp kinh 14 (giữa xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây và xã Long Hòa, TP. Gò Công) chưa có hệ thống điều tiết nước. Đề nghị tỉnh có đầu tư hệ thống cống điều tiết nước để phục vụ cho sản xuất và phòng, chống hạn, mặn cho khu vực phía Đông.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang và UBND huyện Gò Công Tây tiến hành khảo sát thực tế hiện trạng khu vực đầu kinh Ranh tiếp giáp kinh 14 tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Cử tri xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành), đề nghị UBND tỉnh nên có quy định chung về đóng thế chân cây nước của doanh nghiệp. Vì hiện nay trên địa bàn xã Thân Cửu Nghĩa có 5 cây nước của doanh nghiệp, trong đó có 2 cây nước không thu tiền thế chân, còn 3 cây nước còn lại thu tiền thế chân, cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch thì việc đầu tư lắp đặt hệ thống tuyến ống cấp nước (kể cả đồng hồ đến nhà) thuộc trách nhiệm của đơn vị cấp nước; tuyến ống sau đồng hồ (nếu có) do người dân tự lắp đặt. Vì vậy, không có quy định về đóng thế chân của doanh nghiệp cấp nước theo kiến nghị của cử tri xã Thân Cửu Nghĩa.

Song song đó, theo kiến nghị của cử tri ngày 21-7-2023 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, lãnh đạo UBND xã Thân Cửu Nghĩa trao đổi với 5 doanh nghiệp tư nhân đăng ký và cung cấp nước cho người dân trên địa bàn xã (DNTN cấp nước Minh Quân, DNTN cấp nước Mai Văn Thiệt, Công ty TNHH Thuận Phú, hộ kinh doanh Lưu Kim Thủy và hộ kinh doanh Lê Ngọc Sáng) để làm rõ phản ảnh của người dân về mức thu giữa các đơn vị cấp nước trên địa bàn và làm rõ nguyên nhân tại sao mức thu tiền ống, tiền đồng hồ (vô chân nước) giữa các tổ chức, cá nhân cấp nước trên địa bàn không giống nhau.

Theo trình bày của các doanh nghiệp thì phản ảnh của người dân là đúng theo thực tế, tuy nhiên việc thu tiền đây là tiền thỏa thuận về công lắp đặt và đầu tư phát triển tuyến ống cấp nước đến các hộ riêng lẻ, xa đường ống cấp nước của các doanh nghiệp cấp nước.

Sau cuộc làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các doanh nghiệp có báo cáo giải trình lý do mức thu tiền hỗ trợ đóng góp để thông báo cho các hộ dân sử dụng nước được biết và có báo cáo gửi về UBND xã Thân Cửu nghĩa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành theo dõi và quản lý theo quy định.

Kết quả, các doanh nghiệp đã có báo cáo giải trình lý do mức thu tiền hỗ trợ đóng góp để thông báo cho các hộ dân sử dụng nước được biết và báo cáo gửi về UBND xã Thân Cửu Nghĩa. Theo Báo cáo 529/BC-UBND ngày 16-7-2024 của UBND xã Thân Cửu Nghĩa, thì từ ngày 21-7-2023 đến nay trên địa bàn xã Thân Cửu Nghĩa không còn trường hợp đóng tiền vô đồng hồ (đóng thế chân cây nước).

(còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/ban-doc/202408/tra-loi-kien-nghi-cua-cu-tri-truoc-ky-hop-thu-13-hdnd-tinh-tien-giang-khoa-x-ve-linh-vuc-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-1017693/