Trả lời phản ánh của bà Neáng Ngêu

Báo An Giang nhận được đơn của bà Neáng Ngêu (ngụ khóm Tô Lợi, thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn) khiếu nại tranh chấp quyền sử dụng đất, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tri Tôn đã thụ lý hồ sơ quá lâu nhưng chưa đưa ra xét xử.

Theo bà Neáng Ngêu, trước đây, cha mẹ bà (ông Chau My, bà Neáng Ngô) cho bà Neáng Siếp ở nhờ trên 120m2 đất. Khi cha mẹ qua đời, bà Ngêu đi TP. Hồ Chí Minh làm ăn sinh sống, trở về thấy bà Neáng Siếp cất nhà cấp 4 và xây tường rào chiếm diện tích nhiều hơn khoảng 600m2. Bà Siếp cho rằng bà Ngô đã bán đất cho bà, đưa ra tờ giấy viết tay bằng chữ Khmer do gia đình bà viết, không có chữ ký của ông Chau My, bà Neáng Ngô, không có chứng thực xác nhận của chính quyền địa phương.

"Ức lòng, tôi gửi đơn khiếu nại đến UBND thị trấn Cô Tô nhờ can thiệp, yêu cầu bà Neáng Siếp tháo dỡ nhà, phá bỏ tường rào trả đất cho tôi, đất tôi có tổng diện tích 1.203m2 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSDĐ) đất ngày 27/9/2017 số CK760742 (CS03831), thuộc tờ bản đồ số 5, thửa số 489. Không đồng ý với giải quyết của chính quyền địa phương, tôi khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tri Tôn.

Sau đó, tòa án yêu cầu tôi đóng tiền tạm ứng án phí, tiền đo đạc thẩm định tại chỗ tổng cộng gần 8 triệu đồng, hứa sẽ đưa ra xét xử, nhưng 1 năm rồi vẫn chưa đưa ra xét xử. Bản thân tôi không chồng, không cha mẹ anh em, thuộc hộ nghèo, phải vay mượn tiền để đóng án phí, đi tới lui rất nhiều lần nhắc nhở, đôn đốc tòa án giải quyết. Rất mong cơ quan chức năng sớm can thiệp đề nghị TAND huyện Tri Tôn sớm đưa vụ việc ra xét xử, buộc bà Neáng Siếp tháo dỡ nhà, tường rào trả lại đất cho tôi” - bà Neáng Ngêu đề nghị.

Bà Neáng Ngêu chỉ phần đất tranh chấp

Bà Neáng Ngêu chỉ phần đất tranh chấp

Phía bà Neáng Siếp cho biết: “Khoảng năm 1988, gia đình tôi từ Hậu Giang về ấp Tô Lợi, xã Cô Tô (nay là thị trấn Cô Tô) sinh sống. Biết gia đình tôi có nhu cầu về chỗ ở nên vợ chồng ông Chau My, bà Neáng Ngô gợi ý bán đất cho tôi cất nhà ở, tôi đồng ý mua khoảng 4 tầm vuông (12x12m) giá 2 chỉ vàng 24kara cùng 200 giạ lúa, mua bán có làm giấy tay, ông Chau Suth ký tên làm chứng và hàng xóm nhiều người biết. Lúc bấy giờ, tôi cất căn nhà nhỏ đủ ở, sau đó cất mới lại nhà to hơn, đồng thời xây tường rào để bảo vệ đất. Không có việc tôi bao chiếm đất của ai hết”.

Vụ việc tranh chấp đã được UBND thị trấn Cô Tô xác minh hòa giải vào ngày 12/3/2021, nhận thấy giấy tờ mua bán tay cùng nhân chứng xác định bà Neáng Siếp có mua đất của ông Chau My và bà Neáng Ngô (cha mẹ bà Neáng Ngêu) là thật. Thửa đất bà Neáng Ngêu tranh chấp không thuộc GCNQSDĐ đất số CK760742, nên động viên bà Neáng Ngêu không khiếu nại về sau. Tuy nhiên, phía bà Neáng Ngêu cho rằng thửa đất này có nguồn gốc do cha mẹ bà (hiện nay đã chết) để lại không nhớ rõ năm nào, bà canh tác được 3 năm, khi cha mẹ còn sống. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn phải đi làm ăn xa. Đến khoảng năm 2010, bà Neáng Ngêu trở về quê sinh sống thì phát hiện bà Neáng Siếp bao chiếm cất nhà tạm trên phần đất của bà đã được cấp GCNQSDĐ đất, đồng thời yêu cầu bà Neáng Siếp trả lại đất.

Còn phía bà Neáng Siếp cho rằng, phần đất gia đình bà đang ở là mua lại từ cha mẹ cùa bà Neáng Ngêu vào năm 1988, diện tích khoảng 4 tầm vuông để cất nhà ở, có làm "giấy tay" và có sự chứng kiến của ông Chau Suth, nay đã 80 tuổi hiện cư ngụ cùng xóm, việc bà Neáng Ngêu nói bao chiếm đất của gia đình bà là không đúng, bà Neáng Siếp không đồng ý trả lại đất. Hòa giải không thành, sau đó bà Neáng Ngêu khởi kiện đến TAND huyện Tri Tôn.

Trao đổi với phóng viên, đại diện TAND huyện Tri Tôn cho biết, đơn vị tiếp nhận đơn khởi kiện của bà Neáng Ngêu đối với bà Neáng Siếp và đã ra Thông báo 80/TB-TL thụ lý hồ sơ vụ án ngày 10/3/2022, sau đó thẩm phán thụ lý hồ sơ tiến hành các bước thủ tục tố tụng theo quy định pháp luật. Nhiều lần tòa án có Công văn đề nghị UBND thị trấn Cô Tô, Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Tri Tôn thông tin các vấn đề liên quan.

Thế nhưng, phía địa phương cũng như Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Tri Tôn chưa xác định rõ nguồn gốc, vị trí phần đất tranh chấp thuộc GCNQSDĐ của bên nào (cả 2 phía nguyên đơn và bị đơn đều đã có GCNQSDĐ đất). Do đó, cần phải xác minh thêm thông tin về thửa đất, xác định lại việc cấp giấy của người nào là đúng, sau đó sẽ yêu cầu người còn lại có căn cứ gì để yêu cầu hay không thì tòa án mới có cơ sở xem xét giải quyết.

K.N

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tra-loi-phan-anh-cua-ba-neang-ngeu-a399521.html