Trả những 'món nợ' này, vàng sẽ hết sốt
Hôm vừa rồi, tôi có tiếp xúc với một nhóm các bạn trẻ tầm tuổi dưới 30. Câu chuyện chung lại quay về vàng, chủ đề đang nóng bỏng mấy tuần gần đây.
“Hồi đầu, em trích 10% thu nhập để mua vàng, phần còn lại để chi tiêu sinh hoạt. Sau này, khi thu nhập của em cao hơn, em vẫn chi tiêu sinh hoạt vừa đủ, còn phần còn lại vẫn mua vàng”, một bạn nói.
Một bạn nam khác lại cho biết, anh trích 20% thu nhập hàng tháng để mua vàng. Có bạn cho biết, gia đình cô phân công, mỗi tháng vợ và chồng đều trích từ tiền lương ra để mua 2 chỉ vàng…
Trong câu chuyện, họ có một điểm chung là trước đây, khi mới đi làm, họ thường tiêu hết tiền lương và nhiều khoản thu nhập khác để phục vụ sở thích cá nhân, nhưng rồi hiện tại họ trở nên căn cơ hơn trong chi tiêu để dành tiền mua vàng, tích sản. Người có nhiều tiền mua vàng miếng, người ít tiền hơn mua vàng trang sức.
Rất lâu rồi, tôi mới được chứng kiến một cuộc thảo luận kỳ lạ về một chủ đề chung là vàng ở những người trẻ như vậy.
Điều này làm tôi liên tưởng đến bà và các bác tôi nhiều năm trước - những người có mấy chỉ vàng “dắt lưng” theo đúng nghĩa đen, tích lũy mãi mới có được qua thời chiến tranh, bao cấp đầy đói khổ. Mà không chỉ bà tôi, những thế hệ trước và sau, cho đến các bạn trẻ kể trên đều có tâm lý tích trữ vàng.
Khách hàng đến các cửa hàng Mi Hồng, quận Bình Thạnh chọn mua các sản phẩm vàng khá đông đúc. Ảnh: TTXVN
Vàng, suy cho cùng, đã trở thành một vật tích sản hàng đầu đối với đa số người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác để đối phó với sự bất định trong cuộc sống.
Mấy ngày gần đây, đồng điệu với giá vàng quốc tế, giá vàng Việt Nam đang biến động bất thường với đầy cung bậc rủi ro mà đầy hấp dẫn, lôi cuốn. Câu chuyện về vàng nở rộ khắp nơi, trên các diễn đàn chính thức, trên báo chí, mạng xã hội hay trong quán cà phê như cuộc gặp kể trên.
Các nhà kinh tế tính toán rằng, tỉ suất sinh lời của vàng trong mấy tháng đầu năm nay ở Việt Nam lên tới 18 – 23%. Cũng trong thời gian đó, đầu tư chứng khoán là gần 13%, gửi tiết kiệm VND chỉ từ 1,2-1,4%. Giá vàng ở Việt Nam tháng 4/2024 tăng hơn 17% so với cuối năm 2023, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái; bình quân 4 tháng tăng 21% so cùng kỳ.
“Làm gì cho lại!” – Tôi vẫn nhớ như in lời của một bạn nữ trẻ. Vàng đã trở thành một kênh đầu tư quá hấp dẫn, bên cạnh mục tiêu tích sản của họ.
Nhu cầu vàng ở nước ta năm 2023 ở mức 55,5 tấn, giảm so với 59,1 tấn năm 2022, theo Hội đồng vàng thế giới.
Những con số này rõ ràng đã giảm xuống rất nhanh so với giai đoạn hơn chục năm trước. Nhu cầu vàng ở nước ta đã từng tăng lên đến mức thấp nhất là 83 tấn, cao nhất hơn 103 tấn/năm trong giai đoạn 2010-2013, giai đoạn mà giá vàng cũng từng “điên loạn” và vì thế Nghị định 24 về quản lý và kinh doanh vàng ra đời, thu quyền về tay Nhà nước.
Một trong các giải pháp được Ngân hàng nhà nước đưa ra là đấu thầu vàng, nhưng giải pháp này rõ ràng rất khó giúp hạ nhiệt giá vàng vì không giúp tăng cung, vốn gần như được khống chế suốt hơn chục năm nay sau khi Nhà nước độc quyền vàng kể từ Nghị định 24.
Trong khi đó, các giải pháp khác là tăng cường thanh tra kinh doanh, mua bán vàng miếng có lẽ sẽ thiếu hiệu quả. Giá vàng trong nước cao hơn thế giới do cung thấp hơn cầu thì phải tập trung xử lý để thu hẹp khoảng cách này thì giá mới xuống. Nếu cứ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cửa hàng vàng, chắc chắn các chủ tiệm vàng sẽ bán ít hơn, thậm chí đóng cửa, tức là tiếp tục làm giảm cung và gây thêm tình trạng căng thẳng trong bối cảnh cầu cao hiện nay.
Vậy làm sao để kéo giá vàng trong nước gần với giá vàng thế giới, mà khoảng cách hiện nay đã lên đến gần 20 triệu đồng/lượng?
Tôi cho là nên để thị trường vàng dần quay trở lại thời kỳ trước năm 2012, khi Nhà nước thu quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng từ thị trường về tay mình và chỉ sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước.
Trước mắt, cần sửa nhanh Nghị định 24 để có thể sớm cấp phép cho một số ngân hàng, doanh nghiệp tham gia nhập khẩu vàng miếng, để tăng cung cho thị trường và đa dạng thêm các thương hiệu khác.
Kinh nghiệm này đã từng có được khi Ủy ban Nhân dân TP.HCM cấp giấy phép nhập khẩu vàng cho một vài doanh nghiệp cách đây hơn 40 năm, tạo điều kiện cho thị trường vàng vận động theo cơ chế thị trường suốt từ đó đến 2012.
Vàng, tuy là mặt hàng đặc biệt, nhưng cũng vận hành như thị trường hàng hóa khác với những quy luật của nó. Nếu so với các thị trường khác như tiền tệ, năng lượng, lao động, đất đai, thì thị trường hàng hóa được hoạt động tự do nhất, tuân theo quy luật cung cầu, cạnh tranh, ít chịu tác động của mệnh lệnh hành chính nên luôn vận hành trơn tru, hiệu quả.
Khoán 10, tự do lưu thông, dỡ bỏ các trạm kiểm soát trên đường và nhiều biện pháp khác đã giúp Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất, xuất khẩu gạo từ một quốc gia tem phiếu không đủ ăn là một kinh nghiệm quý giá cho thị trường vàng.
Nhà nước, nếu can thiệp, thì bằng các chính sách và thuế sẽ hiệu quả hơn nhiều. Để thị trường vận hành theo quy luật của chúng và nhà nước chỉ cần có những chính sách, thuế phí để thị trường hoạt động thông suốt luôn hiệu quả hơn.
Còn nếu để giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch đến 20 triệu đồng/lượng như hiện nay, thì vẫn còn những vụ buôn lậu tới 6 tấn vàng với tổng trị giá hơn hơn 8.400 tỉ đồng từ Campuchia về Việt Nam vừa được phát hiện gần đây. Trong khi đó, ngoại tệ trong dân vẫn chảy máu ra bên ngoài.
Nếu sửa Nghị định 24, trả vàng về cho thị trường điều tiết trong khuôn khổ nhất định, theo thông lệ quốc tế, thì chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế chắc chắn sẽ giảm nhiều hơn so với lâu nay. Trong vai trò quản lý, cơ quan nhà nước cũng không bị mang tiếng là độc quyền kinh doanh.
Và chắc chắn, số những người trẻ mua vàng, tích sản như tôi kể trên đây sẽ nhiều lên mà không bị mua đắt. Đó chẳng phải sự thịnh vượng cho tất cả hay sao!
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tra-nhung-mon-no-nay-vang-se-het-sot-post174943.html