Tra tấn hàng xóm bằng việc hát karaoke ầm ĩ: Chưa xử phạt nghiêm minh
Thời gian gần đây, nhiều người phản ánh bị ức chế vì hàng xóm liên tục hát karaoke, tiếng ồn chát chúa gây mất tập trung trong thời gian làm việc ở nhà hoặc khiến người già trẻ nhỏ không thể nghỉ ngơi dù đêm đã khuya.
Phiền toái đó đã dẫn tới những sự việc đáng tiếc, gây hậu quả nghiêm trọng, nặng liên quan đến án mạng, nhẹ mất tình làng nghĩa xóm.
Hậu quả của “tra tấn lỗ tai”
Các phương tiện truyền thông đã thông tin, đầu tháng 10/2020, công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Hoàng Minh vì liên quan đến hành vi giết người. Nguyên nhân của vụ án mạng bắt nguồn từ việc người bị hại hát karaoke gây ồn, ảnh hưởng đến hàng xóm. Cuối tháng 11/2020, tại Thanh Trì (Hà Nội) cũng đã xảy ra vụ việc một người đàn ông ném bom xăng sang nhà hàng xóm, gây cháy nổ vì bức xúc việc nhắc mãi vẫn hát karaoke gây ồn.
Vấn đề ô nhiễm tiếng ồn từ việc hát karaoke tại nhà hoặc ở các cửa hàng có dịch vụ tự hát karaoke xảy ra thường xuyên ở rất nhiều nơi. Hầu như khu dân cư nào người dân cũng phải một vài lần bức xúc về vấn đề này. Vào đầu tháng 11/2020, tại khu chung cư Xuân Phương Quốc hội (Nam Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra tình trạng một số người kéo nhau xuống nhà sinh hoạt cộng đồng tại tầng 1 - CT2C1 để liên hoan, uống rượu và mắc loa kéo mở nhạc hát đến gần 23 giờ đêm. Giọng hát được nhận xét là gào thét nhiều hơn mượt mà của các cá nhân đã ảnh hưởng đến người dân xung quanh, đặc biệt là những căn hộ đối diện, tại tòa nhà CT2B.
Mặc dù dân cư đã yêu cầu lực lượng bảo vệ nhắc nhở nhóm hát nhưng thành viên bảo vệ cho rằng đó là những người trong Ban quản lý tòa nhà nên chẳng biết nhắc sao. Khi dân cư nhắc nhở trên nhóm chung của cộng đồng, có thành viên Ban quản lý cho rằng, các cháu thiếu nhi có thể mở nhạc tổ chức Trung thu, tại sao họ lại không? Vậy nên xuất hiện tình trạng mâu thuẫn hàng xóm do việc “tra tấn lỗ tai nhau” bằng karaoke.
Còn nhiều bất cập trong xử lý
Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH&TT Hà Nội) Ngô Văn Nam cho biết: Quy tắc ứng xử của Hà Nội mới chỉ quy định không nên (cấm) gây tiếng ồn quá mức cho phép nơi công cộng, chứ chưa đưa ra quy định mở nhạc gây tiếng ồn đến hàng xóm tại các hộ gia đình. Việc gìn giữ nếp sống văn minh này được cụ thể hóa trong quy định của từng khu dân cư (đối với tổ dân phố, khu chung cư…) và hương ước (với làng xã văn hóa).
Ngoài ra, pháp luật cũng đã có những quy định để xử lý người vi phạm. Cụ thể, tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định hành vi “gây mất trật tự ở khu dân cư” là hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng và có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng (Điều 5.1.b Nghị định số 167/2013/NĐ-CP). Hành vi “Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau” là hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung và có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng (Điều 6.1.b Nghị định số 167/2013/NĐ-CP).
Quy định là vậy, song cũng chưa mấy địa phương áp dụng được hình thức xử phạt này, mà mới chủ yếu ở việc trao đổi, nhắc nhở lẫn nhau trên tinh thần tình làng nghĩa xóm. Tuy nhiên, người nhắc cũng phải có người nghe, nếu nhắc mà không nghe như trường hợp ở chung cư Xuân Phương Quốc hội (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì rất cần sự can thiệp của chính quyền địa phương để tránh gây bức xúc cho người dân.