Trà Vinh, Bình Phước, Tây Ninh ứng phó với dịch bệnh đang phức tạp
Trong ngày 9/11, với việc liên tục ghi nhận các ca mắc mới COVID-19, các địa phương Trà Vinh, Bình Phước, Tây Ninh đã tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với dịch bệnh.
Trong ngày 9/11, với việc liên tục ghi nhận các ca mắc mới COVID-19, các địa phương Trà Vinh, Bình Phước, Tây Ninh đã tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với dịch bệnh.
Trà Vinh: Ghi nhận số ca dương tính với SARS-CoV-2 cao nhất trong một ngày
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Trà Vinh, ngày 9/11, tỉnh phát hiện thêm 154 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 97 ca được phát hiện trong cộng đồng.
Đây là ngày tỉnh Trà Vinh ghi nhận số ca dương tính với SARS-CoV-2 nhiều nhất từ trước đến nay. Trong số 154 ca mới được phát hiện, có 33 người đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và 15 người đã tiêm 1 mũi.
Trước đó, từ ngày 23/10 đến ngày 8/11, trung bình mỗi ngày tỉnh Trà Vinh có khoảng 80 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh rất phức tạp, có nhiều ca nhiễm được phát hiện trong cộng đồng, xuất hiện nhiều ổ dịch tại các địa phương.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, cùng với việc nhanh chóng truy vết, khoanh vùng cách ly để tránh lây lan dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, vận động người dân thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Giám đốc Sở Y tế cần chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, kịp thời phân bổ vaccine phòng COVID-19 cho các địa phương ngay khi nhận vaccine từ Bộ Y tế; huy động lực lượng hỗ trợ các địa phương tiêm vaccine nhanh, đúng tiến độ, an toàn, hiệu quả, đảm bảo Thông điệp 5K; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về cách ly y tế và điều trị bệnh COVID-19 tại nhà theo quy định; trước mắt thí điểm triển khai tại một số địa bàn, sau đó đánh giá hiệu quả và triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền rộng rãi về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thông tin cụ thể về tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn tỉnh với tần suất nhiều lần trong ngày; nội dung thông tin tuyên truyền phải thật cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện để người dân nâng cao ý thức, không chủ quan, lơ là.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng, đảng viên, quần chúng nhân dân để tăng cường quản lý, kiểm soát chặt địa bàn, lưu ý các trường hợp đi về từ vùng dịch, đi khám bệnh ngoài tỉnh trở về… phải xét nghiệm bằng test nhanh; giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà theo đúng quy định.
Đến nay, Trà Vinh ghi nhận 3.625 ca mắc COVID-19, đã điều trị khỏi bệnh 2.184 ca, có 27 ca tử vong. Tính đến ngày 8/11, tỷ lệ người dân trên 18 tuổi ở Trà Vinh đã được tiêm mũi 1 đạt 71,4% và mũi 2 đạt 40,37%.
Bình Phước: Phát hiện ổ dịch tại vùng đồng bào thiểu số
Ngày 9/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước cho biết vừa phát hiện thêm 25 trường hợp dương tính với SARS-CoV2 thuộc khu vực phong tỏa thôn Bù Kroai, xã Đức Hạnh, huyện biên giới Bù Gia Mập. Đây là thôn khó khăn, chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống.
Những trường hợp dương tính với SARS-CoV2 có yếu tố liên quan đến ca F0 sinh sống tại thôn được phát hiện qua khám sàng lọc tại Trung tâm Y tế thị xã Phước Long vào trưa 8/11.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Đức Hạnh đã khẩn trương truy vết, thực hiên các biện pháp cách ly phù hợp. Bước đầu lực lượng chức năng đã xác định, cho thực hiện cách ly tại nhà 19 F1; đồng thời khoanh vùng phong tỏa tạm thời trên địa bàn thôn với 121 hộ gia đình, 520 khẩu trong phạm vi 5 ha.
Thôn Bù Kroai có đa số người dân tộc thiểu số sinh sống, hộ nghèo vẫn khá nhiều, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp. Vì vậy, ngay từ ngày phát hiện ổ dịch, lực lượng chức năng địa phương thực hiện giám sát chặt chẽ các trường hợp liên quan nhằm thực hiện cách ly tại nhà, không để xảy ra sai sót tránh lây lan ra cộng đồng, địa phương lân cận.
Ngoài ra, cơ quan chức năng địa phương cũng đã nhanh chóng triển khai kế hoạch cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, ổn định tâm lý, tư tưởng nhằm cùng địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Từ ngày 30/6 đến chiều 9/11, huyện biên giới Bù Gia Mập đã ghi nhận 121 ca dương tính với SARS-CoV2, trong đó 59 người đã khỏi bệnh, 29 ca chuyển khu vực điều trị tại bệnh viện dã chiến thị xã Phước Long. Huyện có 287 trường hợp đang cách ly tập trung và hơn 961 người cách ly tại nhà và nơi lưu trú.
Tây Ninh quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiệm vụ phòng, chống dịch, với phương châm “4 tại chỗ”, không chủ quan, lơ là. Các ngành chức năng và địa phương kiểm soát chặt các chốt chặn phòng dịch trên tuyến biên giới; tại các cửa ngõ vào tỉnh.
Trên tuyến biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và lực lượng dân quân tự vệ các huyện biên giới thành lập gần 150 chốt phòng, chống dịch; ngày đêm túc trực, ngăn chặn kịp thời các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép. Từ đầu mùa dịch đến nay, lực lượng chức năng trên tuyến biên giới đã ngăn chặn hàng trăm vụ xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, xử phạt hành chính, đưa đi cách ly phòng COVID-19 gần 1.000 trường hợp.
Trong nội địa, lực lượng công an và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về phòng, chống dịch; rà soát, nắm danh sách từng hộ gia đình; linh hoạt bố trí các “chốt mềm”, tăng cường tuần tra lưu động, kiểm soát chặt địa bàn 24/24 giờ, xử lý những trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh; nhanh chóng xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm F0 và truy vết các trường hợp F1, F2, khoanh vùng để cắt dứt nguồn lây.
Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, tỉnh quy định thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” song song với phương thức đưa rước công nhân “một cung đường, hai địa điểm,” đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch theo Thông điệp “5K” của Bộ Y tế; trường hợp doanh nghiệp không bảo đảm phòng chống dịch thì tạm dừng hoạt động.
Hiện tại, Tây Ninh đang ở cấp độ 2 - cấp nguy cơ trung bình, có 499 trong tổng số 545 ấp, khu phố thuộc vùng xanh, các vùng nguy cơ và nguy cơ cao còn lại 46 ấp, khu phố.
Đến ngày 7/11 các địa phương toàn tỉnh đã tiêm được hơn 1,3 triệu trong số 1,5 triệu liều được phân bổ, trong đó mũi 1 tiêm được 900 ngàn, mũi 2 tiêm được hơn 487 ngàn; đang triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi, từng bước đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Tây Ninh đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP. Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 3676/KH-UBND giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép,” vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi lại sản xuất thích ứng với điều kiện và tình hình dịch bệnh của từng địa phương.