Trà Vinh đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Tỉnh Trà Vinh tận dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương vào năm 2030.
Tiềm năng dồi dào
Những năm gần đây, du lịch Trà Vinh đã có bước đột phá, tạo được ấn tượng cho du khách. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành, Trà Vinh dễ dàng kết nối với các thị trường khách lớn của cả nước, do chỉ cách Cần Thơ 70 km, cách TP.HCM 130 km. Tỉnh đã thành công trong việc tập trung các nguồn lực tự nhiên và nhân văn để kiến tạo được các sản phẩm du lịch độc đáo, hiếm có của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lưu giữ nhiều mảng xanh cho du lịch sinh thái.
Trà Vinh là vùng đất gắn bó lâu đời của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, cùng những di tích lịch sử, kiến trúc, là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch văn hóa tâm linh.
Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã xác định loại hình du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa, mang nét đặc trưng văn hóa Khmer là sản phẩm đặc thù có sức cạnh tranh cao.
Trà Vinh rất coi trọng công tác xây dựng đề án phát triển du lịch phát huy lợi thế của từng địa phương. Đến nay, 7/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã xây dựng xong đề án phát triển du lịch của địa phương.
Với vị trí nằm giữa 2 nhánh sông Mê Kông, tiếp giáp với Biển Đông, hình thành nên nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển, với những vườn cây ăn trái chuyên canh đã tạo cho Trà Vinh lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng. Môi trường tự nhiên tuy còn hoang sơ do chưa được đầu tư khai thác, nhưng rất thích hợp cho khách du lịch khám phá, trải nghiệm nét đặc trưng còn lưu lại của vùng đất Tây Nam Bộ.
Là tỉnh ven biển ĐBSCL, có hệ thống sông rạch phong phú, đất đai phù sa bồi đắp đã tạo cho Trà Vinh một nền sản xuất nông nghiệp đa dạng và phong phú, từ trồng trọt, chăn nuôi, đến nuôi trồng thủy sản ở cả 3 vùng nước mặn, ngọt và lợ. Đây cũng là nguồn nguyên liệu phong phú, hình thành nên những làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm đa dạng, tinh xảo, mẫu mã đẹp làm quà tặng du lịch hoặc quà lưu niệm. Chính vì vậy, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống cũng là thế mạnh của Trà Vinh. Khách du lịch quốc tế có thể tham gia các hoạt động lao động nông nghiệp, nuôi trồng thủy - hải sản, sản xuất chế tác ở các làng nghề truyền thống, trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và khám phá cuộc sống vùng nông thôn Nam Bộ.
Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực của tỉnh Trà Vinh cũng rất đa dạng, phong phú; là vùng đất cộng cư lâu đời của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, có sự giao thoa đã tạo nên nền văn hóa ẩm thực với những nét riêng biệt. Ẩm thực của Trà Vinh được tổng hợp và kế thừa từ văn hóa ẩm thực của các dân tộc với nhiều đặc sản, món ngon nổi tiếng để du khách trải nghiệm và thưởng thức như: bún nước lèo, dừa sáp, bún suông, bánh canh Bến Có, bánh tét Trà Cuôn...
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong nửa nhiệm kỳ, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhưng nhờ có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất nên ngành du lịch Trà Vinh phục hồi nhanh chóng. Kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trà Vinh đón 2.697.475 lượt khách (có 37.347 lượt khách quốc tế); khách lưu trú là 657.367 lượt (có 32.051 lượt khách quốc tế). Tổng doanh thu đạt 1.549,818 tỷ đồng.
Năm 2022, tỉnh đón 1.445.000 lượt khách, đạt 263% kế hoạch năm, tăng 219% so với năm 2021. Tổng doanh thu du lịch năm 2022 là 898,7 tỷ đồng, đạt 473% kế hoạch năm, tương ứng tăng 495% so năm 2021.
Để phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng là thế mạnh của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đã cấu trúc lại sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ các điểm du lịch như: hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án khu tham quan, nghỉ dưỡng biển Ba Động, làm việc với các chủ đầu tư dự án điện gió để khai thác phát triển du lịch, cấu trúc lại và làm mới sản phẩm điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, điểm du lịch tự thân dựa vào cộng đồng Cồn Hô, Làng Văn hóa - Du lịch Khmer, Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Ao Bà Om, điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha, Cù Lao Tân Quy. Đặc biệt là xây dựng và ra mắt 2 famestay phục vụ khách du lịch trên địa bàn Trà Cú và Tiểu Cần.
Khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế và hộ dân đầu tư homestay, cơ sở lưu trú. Đến nay, toàn tỉnh có 6 homestay với 34 phòng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch và 125 cơ sở lưu trú với số lượng trên 1.500 phòng, tỷ lệ công suất sử dụng phòng luôn đạt bình quân từ 65% đến 70%.
Qua triển khai nâng cấp các điểm du lịch, hiện Trà Vinh có 3 điểm du lịch cấp tỉnh (Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim và Khu di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Ao Bà Om); 4 điểm du lịch tiêu biểu vùng ĐBSCL.
Công tác xây dựng đề án phát triển du lịch phát huy lợi thế của từng địa phương cũng được quan tâm. Đến nay, 7/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã xây dựng xong đề án phát triển du lịch của địa phương, còn 2 huyện Cầu Kè và Châu Thành đang thuê tư vấn để xây dựng đề án.
Công tác quảng bá xúc tiến du lịch được tăng cường như: tham gia thành lập Hội đồng liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng ĐBSCL và TP.HCM; triển khai Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL giai đoạn 2022 - 2025. Phối hợp với các tỉnh trong cụm phía Đông ĐBSCL tham gia trên 10 sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch Trà Vinh tại các tỉnh, thành phố trong nước. Phối hợp tổ chức 6 chuyến khảo sát và 5 cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh...
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành du lịch Trà Vinh đã có nhiều phương án mang tính đột phá với các nhiệm vụ chính:
Thứ nhất, mỗi địa phương hình thành ít nhất một điểm đến tiêu biểu dựa trên tiềm năng và lợi thế đặc trưng của từng địa phương như: TP. Trà Vinh từng bước xây dựng trở thành đô thị du lịch xanh với loại hình tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với kinh tế ban đêm; thị xã Duyên Hải phát triển du lịch sinh thái biển gắn với tham quan điện gió, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh gắn với Thiền Viện Trúc Lâm; huyện Duyên Hải đầu tư du lịch biển với hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển; huyện Cầu Ngang khai thác du lịch sinh thái gắn với làng nghề thủy sản và các cồn nổi ven biển; huyện Trà Cú xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc gắn với làng nghề thủ công mỹ nghệ; huyện Châu Thành tập trung vào du lịch cộng đồng; huyện Tiểu Cần ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, văn hóa gắn với trải nghiệm nông nghiệp; huyện Càng Long và Cầu Kè đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái và tuyến du lịch đường thủy trải nghiệm các cồn nổi ven sông Hậu và sông Cổ Chiên.
Đến năm 2025, hình thành 3 trung tâm du lịch lớn của tỉnh, trở thành “vệ tinh du lịch quan trọng” của vùng ĐBSCL, gồm: Trung tâm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, văn hóa, ẩm thực TP. Trà Vinh và vùng phụ cận (huyện Châu Thành và huyện Càng Long); Trung tâm du lịch sinh thái biển thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải và huyện Cầu Ngang; Trung tâm du lich sinh thái - văn hóa gồm huyện Cầu Kè, huyện Trà Cú và huyện Tiểu Cần.
Thứ hai, xây dựng sản phẩm đặc trưng, tạo sự khác biệt, nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hóa Khmer bằng giải pháp xây dựng hoàn chỉnh không gian văn hóa - du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh, gắn liền với khu di tích danh thắng Ao Bà Om, di tích Bờ Lũy - chùa Lò Gạch và vùng phụ cận thuộc huyện Châu Thành để tạo điểm nhấn cho ngành du lịch. Phát triển thêm loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách tham quan.
Thứ ba, tạo quỹ đất mời gọi nhà đầu tư chiến lược xây dựng các điểm tham quan quan, nghỉ dưỡng tại Khu văn hóa - du lịch Ao Bà Om, Khu du lịch biển Ba Động, Khu du lịch sinh thái Hàng Dương Mỹ Long huyện Cầu Ngang. Xúc tiến mời gọi doanh nghiệp đầu tư tuyến vận chuyển hành khách đường thủy từ Trà Vinh đi Côn Đảo, mở rộng thị trường đón khách đến Trà Vinh (hiện Trà Vinh là tỉnh có lợi thế tuyến đi từ đất liền đến Côn Đảo gần nhất so các tỉnh trong khu vực), tăng cường mời gọi đầu tư khách sạn 4 - 5 sao để phát phiển loại hình du lịch MICE…
Thứ tư, tiếp tục đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của ngành kinh tế du lịch cho các bên liên quan trong việc khai thác và phát triển du lịch; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng lao động trong ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới.
Thứ năm, đổi mới phương thức xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ, tăng cường mối liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước và các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình để tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Trà Vinh. Từng bước xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tra-vinh-dua-du-lich-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-d197693.html