Trà Vinh: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm thực hiện các hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên phụ nữ, trong đó có phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.
Trà Vinh là tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dân số trên 1 triệu người; trong đó dân tộc Kinh chiếm 67,76%, Khmer chiếm 31,53%, Hoa chiếm 0,66% và dân tộc khác chiếm 0,05%. Trên địa bàn tỉnh có 538.650 phụ nữ, trong đó nữ dân tộc Khmer hơn 163.400 người, nữ dân tộc Hoa 3.170 người, nữ dân tộc Chăm 81 người.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh từng bước ổn định. Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa vươn lên làm kinh tế giỏi, làm chủ doanh nghiệp.
Tại xã Ngãi Xuyên (huyện Trần Đề, tỉnh Trà Vinh), trong thời gian qua, nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như trường hợp gia đình chị Trần Thị Nguyệt - hội viên phụ nữ người Khmer, trước đây là hộ nghèo với sự hỗ trợ của Hội phụ nữ đã được tiếp cận nguồn vốn, tập huấn kiến thức để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Theo đó, với nguồn vốn vay được, chị Nguyệt đã mua bò để phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, chị còn trồng rau, buôn bán tạp hóa nhỏ. Sau khi trả hết nguồn vốn vay nhờ lợi nhuận có được, gia đình chị còn mạnh dạn đầu tư mua máy cày, máy xới để tiếp tục phát triển kinh tế. Hiện nay, gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà mới, với điều kiện sống ngày càng phát triển.
Xã Thạnh Hòa Sơn (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) có tổng số hội viên phụ nữ là gần 1.300 người, trong đó phụ nữ Khmer chiếm hơn 73%. Trong thời gian qua, các cấp Hội đã hỗ trợ hội viên phụ nữ thành lập các tổ hợp tác giúp hội viên hình thành tư duy phát triển kinh tế năng động, sáng tạo, mang lại hiểu quả cao.
Hội LHPN huyện Cầu Ngang luôn xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, Hội triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức của hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số về phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã và các giải pháp phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, giảm nghèo bền vững.
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Hội LHPN tỉnh Trà Vinh cho hay, trong thời gian qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ vốn vay, tư vấn giới thiệu việc làm, góp phần tạo việc làm tăng thu nhập cho phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Để góp phần thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh yêu cầu các xã và các huyện thuộc Dự án 8 đẩy mạnh công tác tuyên truyền nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương về xây dựng mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nhằm cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội tăng thu nhập, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo sự chuyển biến hoạt động tổ hợp tác, hợp tác xã, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, trồng chọt, chăn nuôi, góp phần giải quyết việc làm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho gia đình, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt trong việc hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong đó có việc hỗ trợ nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ ở miền núi. Nghiên cứu, đề xuất chính sách an sinh, chương trình, đề án hỗ trợ phụ nữ. Tiếp tục triển khai chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương; Dự án 8... Đồng thời, phát triển rộng rãi mạng lưới cộng tác viên trong các hoạt động về bình đẳng giới, nhất là những cơ sở có đông đồng bào dân tộc thiểu số.