Trà Vinh: Nghiên cứu tổ chức tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn bầu cử, tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề
Trong năm 2025, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, nghiên cứu tổ chức tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn bầu cử, đơn vị bầu cử; tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng mà đại biểu quan tâm hoặc liên quan đến nội dung kỳ họp Quốc hội.
Đề cập về việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết năm 2024 của Quốc hội, cung cấp thông tin cho phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình cho biết, trong năm nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến đối với 21 dự thảo Luật thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và 23 dự thảo Luật thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Đoàn tổ chức 07 Hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với 17 dự thảo Luật. Đồng thời, Đoàn đã gửi lấy ý kiến bằng văn bản đối với 27 dự thảo Luật còn lại. Qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp ý kiến góp ý đóng góp và báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo yêu cầu.
Về công tác giám sát theo Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Căn cứ Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đã tổ chức giám sát 04 chuyên đề đối với 05 đơn vị ngành tỉnh và 02 đơn vị hành chính cấp huyện. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia 02 cuộc khảo sát: (1) Tham gia Đoàn Khảo sát của Ủy ban Tư pháp về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án năm 2024 tỉnh Trà Vinh; (2) Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, làm việc tại tỉnh Trà Vinh phục vụ thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Về thực hiện giám sát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà ĐBQH, Đoàn ĐBQH đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết: Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đã thực hiện việc tiếp nhận và xử lý đơn thư của công dân gửi đến theo quy định pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan về việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Đoàn ĐBQH, ĐBQH, kịp thời nghiên cứu, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; theo dõi, đôn đốc khi quá thời hạn giải quyết nhưng chưa nhận văn bản báo cáo kết quả giải quyết đơn của công dân; trong kỳ báo cáo không để đơn tồn đọng; đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh còn thực hiện giám sát thường xuyên việc giải quyết kiến nghị của địa phương, kịp thời thông báo kết quả giải quyết đến cử tri, công dân biết kết quả giải quyết của ngành chức năng, qua đó, góp phần thiết thực cùng hệ thống chính trị giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Giám sát thường xuyên việc giải quyết kiến nghị của địa phương, kịp thời thông báo kết quả giải quyết đến cử tri
Về việc tổ chức để các ĐBQH tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân: Trong năm 2024, công tác tiếp công dân được quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Đoàn ĐBQH tỉnh xây dựng lịch tiếp công dân định kỳ (mỗi tháng 01 lần) tại trụ sở tiếp công dân chung của Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh để các vị ĐBQH thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định của pháp luật; đồng thời, phân công công chức tiếp dân thường xuyên tại cơ quan để tiếp thu ghi nhận, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách thực hiện tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở làm việc của Đoàn, các ĐBQH kiêm nhiệm thực hiện việc tiếp công dân tại nơi làm việc và nơi cư trú. Kết quả, năm 2024 Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp 64 lượt công dân tại Trụ sở của Đoàn ĐBQH tỉnh. Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận 92 đơn, qua nghiên cứu đã chuyển 25 đơn đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết; hướng dẫn 06 đơn công dân; trả lời 11 đơn cho công dân; trùng lưu 50 đơn; nhận 15 văn bản trả lời của các ngành chức năng. Trên cơ sở đó, Đoàn thông báo kết quả giải quyết đơn của các ngành chức năng đến công dân nắm.
Nhìn chung, Đoàn ĐBQH, các ĐBQH kịp thời xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh biết kết quả giải quyết đơn thư; thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng thời gian luật định.
Công tác đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được thường xuyên
Đánh giá chung về những kết quả đạt được trong năm 2024, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình khẳng định: Với tinh thần quyết tâm cao, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa phương cùng với phát huy vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, như: xây dựng pháp luật, giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, tham gia thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương... Đồng thời, phối hợp thực hiện tốt các hoạt động xã hội, xứng đáng với vai trò đại diện của Nhân dân và có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Quốc hội, của đất nước và địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhận thấy còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, việc lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật thông qua hình thức tổ chức hội nghị chưa được nhiều; chất lượng góp ý một số dự án luật chưa cao, nhất là hình thức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản, ít có ý kiến tham gia…
Việc tiếp xúc cử tri (TXCT) nơi cư trú, nơi công tác còn ít và chưa được duy trì thường xuyên. Việc tổ chức TXCT ngoài địa bàn bầu cử còn ít, chưa phối hợp với các địa phương khác để tổ chức cho ĐBQH tiếp xúc cử tri ngoài tỉnh. Công tác đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH chưa được thường xuyên, nhất là giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Ngoài ra, hoạt động giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với các Đoàn ĐBQH địa phương khác chưa được thực hiện thường xuyên.
Để nâng cao hơn nữa hoạt động của Đoàn ĐBQH, thay mặt cho Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình đưa ra một số kiến nghị, đề xuất. Theo đó, Đoàn kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan về chế độ chi tiêu đảm bảo hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH. Vì các quy định được ban hành đã lâu như Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội, nhiều mức chi còn thấp, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, Đoàn đề nghị sửa đổi hoặc ban hành văn bản mới thay thế văn bản Hướng dẫn 144/HD-VPQH ngày 22/01/2013 của Văn phòng Quốc hội hướng dẫn chi phục vụ các hội nghị do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập, trong đó có quy định mức chi giải khát tại hội nghị còn quá thấp không còn phù hợp với thực tế, đồng thời quy định cụ thể mức chi đối với hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu địa phương để các Đoàn ĐBQH áp dụng thực hiện được chặt chẽ.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri
Đề cập về phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình cho biết, đối với công tác xây dựng lập pháp, Đoàn sẽ triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc lấy ý kiến các dự án luật theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 (Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024), nhất là đối với các dự án luật thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV. Tích cực tham gia các hoạt động thẩm tra, góp ý, thảo luận về các dự án luật, nghị quyết tại các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; chủ động khảo sát thực tiễn các nội dung liên quan đến dự án luật trình kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là các dự án luật liên quan trực tiếp đến người dân...
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh kịp thời tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo thời gian quy định. Qua đó, tuyên truyền các dự án luật đã được Quốc hội thông qua lồng ghép trong các cuộc tiếp xúc cử tri, giám sát, khảo sát, tiếp công dân,... để người dân nắm bắt và áp dụng thực hiện đúng quy định.
Đối với công tác giám sát: Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025, gồm: (1) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; (2) Việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ xây dựng nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề mang tính cấp thiết, những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm tại địa phương. Tham gia cùng với Quốc hội giám sát tối cao đối với các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025 và một số vấn đề quan trọng khác. Phối hợp với các cơ quan của Quốc hội khi đến giám sát tại địa phương; tham gia với HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong việc giám sát, khảo sát các chuyên đề trên địa bàn tỉnh.
Đối với việc tham dự các kỳ họp của Quốc hội: Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu trong Đoàn tham dự đầy đủ các phiên họp toàn thể của Quốc hội cũng như các phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban mà đại biểu là thành viên. Đồng thời, yêu cầu các đại biểu tích cực đi cơ sở, làm việc với các ngành chuyên môn tại địa phương nhằm nắm bắt tình hình thực tiễn. Từ đó, các đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến sát thực và chất lượng đối với các báo cáo của các Bộ, ngành, Chính phủ, cũng như các dự thảo Nghị quyết được trình tại các kỳ họp và phiên họp trong năm 2025.
Về việc tổ chức để các ĐBQH tiếp xúc cử tri: Trong năm 2025, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động TXCT, nghiên cứu tổ chức TXCT ngoài địa bàn bầu cử, đơn vị bầu cử; tăng cường TXCT chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng mà đại biểu quan tâm hoặc liên quan đến nội dung kỳ họp Quốc hội. Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã tổ chức để đại biểu TXCT trước và sau Kỳ họp thứ 9, thứ 10 theo luật định; tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và UBND tỉnh giải quyết theo quy định. Theo dõi, rà soát việc giải quyết kiến nghị cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay để tiếp tục đôn đốc, giám sát những nội dung chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng.
Về việc tổ chức để các ĐBQH tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân: Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tiếp tục thực hiện tốt các quy định về tiếp công dân; tiếp nhận và xử lý đơn thư theo đúng quy định; theo dõi chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo của công dân...Chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh rà soát, lựa chọn để giám sát, khảo sát một số vụ việc trả lời chưa thỏa đáng hoặc phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tham gia tiếp công dân thường kỳ và tổ chức tiếp công dân khi có yêu cầu.
Về việc đảm bảo chế độ chính sách đối với ĐBQH và hoạt động khác: Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dành cho ĐBQH theo quy định hiện hành (đảm bảo các điều kiện làm việc, hỗ trợ phương tiện, tài liệu, cũng như các khoản phụ cấp, công tác phí và các chế độ khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao). Đồng thời, Văn phòng cũg chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến chế độ, chính sách, đảm bảo sự quan tâm chu đáo và đúng quy định đối với các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh.
Ngoài ra, Đoàn sẽ phối hợp với UBND tỉnh trong việc kết nối, tổ chức làm việc với Bộ, ngành Trung ương tại kỳ họp Quốc hội để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; kiến nghị, đề xuất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh... Thực hiện tốt các hoạt động phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan của tỉnh trong các hoạt động chung của địa phương; phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh điều hòa các hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh để hạn chế trùng lặp nội dung, thời gian, địa điểm.
Mặt khác, Đoàn sẽ tăng cường hoạt động đối ngoại; tổ chức trao đổi kinh nghiệm với Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên kịp thời đến các gia đình chính sách; tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực để thực hiện tốt hoạt động an sinh xã hội của Đoàn, nhất là vào các dịp tết Nguyên đán, Ngày đại đoàn kết dân tộc, hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, dịch bệnh...
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=91947