Trà Vinh: Sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ được đông đảo người tiêu dùng quan tâm, đón nhận
Các cấp Hội LHPN tỉnh Trà Vinh triển khai đa dạng, thường xuyên các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp; góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trên địa bàn.
Khách tham quan các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ Trà Vinh
Nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công
Trong thời gian qua, bên cạnh công tác tuyên tuyền và hỗ trợ nguồn vốn, các cấp Hội LHPN tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương. Từ đó đã xuất hiện ngày càng nhiều hội viên, phụ nữ khởi nghiệp thành công, mang lại giá trị kinh tế cao.
Điển hình như chị Trần Thị Hiền, xã Vĩnh Kim (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), đã khởi nghiệp thành công với nghề bánh tráng sữa nước cốt dừa gia truyền. Theo đó, tận dụng nguyên liệu dừa sẵn có tại gia đình, chị Hiền đã mạnh dạn đầu tư để mua sắm trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất.
Bên cạnh đó, chị cũng tham gia câu lạc bộ khởi nghiệp của Hội LHPN huyện và được chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chị được Hội LHPN thường xuyên tạo điều kiện tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm qua các cuộc hội chợ thương mại, tọa đàm đối thoại chính sách phát triển doanh nghiệp.
Từ sự chủ động của bản thân cùng với sự hỗ trợ của các cấp Hội, sản phẩm bánh tráng sữa nước cốt dừa của chị Hiền ngày càng được nâng cao chất lượng. Đến nay, cơ sở sản xuất của chị có 3 loại sản phẩm đưa ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Trong đó, sản phẩm bánh tráng sữa nước cốt dừa của cơ sở đã có hàng chục lần tham gia các hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh.
Mạnh dạn thực hiện khát vọng kinh doanh trên mảnh đất quê hương, chị Thạch Thị Di - chủ cơ sở sản xuất "Bánh tét 9 Di", xã Phước Hảo (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cũng đã tạo ra được chuỗi sản phẩm bánh tét đặc trưng, đậm vị truyền thống. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, cơ sở bánh tét của chị Di còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ, mỗi ngày có từ 7-10 lao động làm việc tại cơ sở; vào dịp lễ tết có khi lên tới hơn 70 lao động.
Để sản phẩm bánh tét ngày càng tiến xa thị trường hơn nữa, chị Di cho hay đang tìm nguốn vốn để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ. Chị mong muốn được hỗ trợ vốn để đầu tư mua máy móc cũng như đầu tư mở các đại lý, cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm ở một số tỉnh/thành. Bên cạnh đó, chị Di cũng mong muốn được các cơ cơ quan ban ngành, tổ chức hỗ trợ thêm về kiến thức kinh doanh, thiết lập website và các kênh kinh doanh online khác để tiếp tục mở rộng thị trường.
Thúc đẩy hội viên, phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp
Theo Hội LHPN tỉnh Trà Vinh, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được sự quan tâm phối hợp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ngành liên quan, giúp gắn kết các chính sách hỗ trợ, các chương trình tín dụng ưu đãi và chú trọng công tác định hướng ngành nghề khởi nghiệp giúp phụ nữ khai thác tiềm năng, mạnh dạn chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025", đến nay, các cấp Hội LHPN tỉnh Trà Vinh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, diễn đàn về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh; hỗ trợ thành lập hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Riêng trong năm 2022, Hội đã hỗ trợ 176 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh với số vốn trên 2,5 tỷ đồng.
Vừa qua, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh cũng đã phối hợp Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (SME Trà Vinh), Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức trưng bày, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm OCOP của tỉnh. Hoạt động đã góp phần giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mạnh dạn mở rộng thi trường tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng, từng bước tạo cạnh tranh trên thị trường.
Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục phát động các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Tạo điều kiện cho hội viên kết nối, tiếp cận được các nguồn vốn, giúp hội viên phụ nữ khởi nghiệp bằng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, thành lập các tổ liên kết phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.