Trà Vinh tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành tôm nước lợ
Ngày 15/3, tại thị xã Duyên Hải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phối hợp cùng UBND thị xã tổ chức Hội thảo 'Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành tôm nước lợ tỉnh Trà Vinh'.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho biết, với 65 km đường bờ biển, Trà Vinh có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản; trong đó, nuôi tôm nước lợ được xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Năm 2023 diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng của tỉnh đạt 31.650 ha, sản lượng đạt 90.031 tấn, giá trị sản xuất đạt 7.359 tỷ đồng. Diện tích nuôi đứng thứ 6, năng suất đứng thứ 3, sản lượng đứng thứ 5 các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, hiện nay ngành tôm tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản chưa hoàn thiện; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn bất cập; người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng, giá cả giống, thức ăn, thuốc, các chế phẩm phục vụ cho nuôi tôm không ổn định… Bên cạnh đó, ngành tôm nước lợ còn tiềm ẩn các rủi ro về giá cả, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao, thiếu bền vững.
Tại hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thủy sản đề xuất nhiều giải pháp để phát triển bền vững ngành tôm nước lợ. Một số doanh nghiệp cũng giới thiệu đến hội thảo các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của đơn vị đạt hiệu quả; sản xuất con giống theo quy trình sinh học chống chịu cao với dịch bệnh; mô hình nuôi tôm chi phí thấp, tỷ lệ thành công cao, hạn chế tối đa dịch bệnh…
Ông Lê Tấn Thới, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản - Quản lý chất lượng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh) đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành tôm; khuyến khích các hộ nuôi tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó doanh nghiệp là mắt xích chủ yếu đóng vai trò dẫn dắt toàn chuỗi và liên kết bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người nuôi với doanh nghiệp. Đơn vị cũng định hướng các hộ nuôi tôm theo tiêu chuẩn sạch, sinh thái, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc để phát triển bền vững.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản, quản lý môi trường ao nuôi thâm canh, thâm canh mật độ cao; hỗ trợ khoa học công nghệ, khuyến ngư…
Ông Phan Văn Lượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bioblue Việt Nam, kiêm Giám đốc Chi nhánh Trà Vinh kiến nghị UBND tỉnh và các sở ngành, địa phương hỗ trợ quỹ đất để đơn vị xây dựng khu nuôi tôm thương phẩm chất lượng, năng suất cao để làm mô hình trọng điểm của tỉnh. Từ đó, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình cho bà con nông dân nuôi tôm ở Trà Vinh và các tỉnh lân cận. Cùng với đó, Công ty cũng mong muốn Trà Vinh có chính sách ưu đãi thuế, tín dụng cho doanh nghiệp.
Ông Quách Văn Đực, xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao từ năm 2015 trên tổng diện tích 13,4 ha với 18 ao nuôi, mật độ thả trung bình 250 con giống/m2. Ông Đực chia sẻ từ năm 2015- 2022, gia đình ông luôn đạt lợi nhuận từ 3,5-5 tỷ đồng/năm, với sản lượng thu được từ 250-350 tấn. Nhưng năm 2023, tuy sản lượng và chất lượng tôm không thay đổi nhưng giá tôm giảm sâu, với 118. 000 đồng/kg (24 con), 100.000 đồng/kg loại 30 con nên gia đình ông không có lãi.
Ông Đực mong muốn các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật, dự báo tình hình giá cả thị trường kịp thời cho nông dân; hỗ trợ hộ sản xuất liên kết, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ,... để trao đổi kinh nghiệm, thông tin nhu cầu thị trường…