Trà Vinh: Triều cường gây sạt lở đê bao, thiệt hại nhiều vườn cây ăn trái
Từ ngày 1 - 3/10, tại các vùng ven hai nhánh sông Tiền và sông Hậu thuộc các huyện Cầu Kè, Càng Long (Trà Vinh), triều cường liên tục dâng cao, làm sạt lở một số tuyến đường nông thôn, đê bao tại các xã: Đức Mỹ (Càng Long); Ninh Thới, Hòa Tân, An Phú Tân, Tam Ngãi, Thông Hòa, Hòa Ân (Cầu Kè)… Triều cường còn làm ngập úng hàng ngàn héc-ta vườn cây ăn trái, gây thiệt hại cho nông dân.
Bà Triệu Ngọc Sang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết, qua khảo sát bước đầu trên địa bàn huyện, triều cường đã làm sạt lở 32 đoạn bờ bao cục bộ ven sông Hậu với chiều dài gần 250 m; gần 400 ha vườn cây ăn trái và gần 5 ha cây màu của hơn 700 hộ dân bị ngập úng, thiệt hại.
Tại xã Đức Mỹ, ông Mai Thanh Tú, cán bộ nông nghiệp xã cho biết, xã Đức Mỹ có 370 hộ dân, hơn 350 ha đất nuôi trồng thủy sản và trồng hoa màu nằm ngoài tuyến đê bao ven sông Tiền đang bị ảnh hưởng triều cường gây khó khăn cho cuộc sống, thiệt hại về sản xuất. Hiện xã chưa thống kê được mức độ thiệt hại do triều cường gây ra trên địa toàn địa bàn xã.
Ông Trần Văn Bảy, ở ấp Rạch Đùi, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè cho biết, triều cường vào sáng 1/10 dâng cao hơn con nước tháng 10 năm trước khoảng 0,15 m nên gần như toàn bộ diện tích vườn cây ăn trái ven tuyến sông ấp Rạch Đùi đều ngập úng. Riêng gia đình ông có 0,2 ha vườn bưởi đều bị ngập và trên 100 con cá tai tượng đạt trọng lượng khoảng 1,5kg/con bị thất thoát 100%.
Ông Trịnh Văn Chín Út, ấp Tân Qui II, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết, gia đình có trên 1.000m2 trồng đu đủ cho trái gần tới ngày thu hoạch bị ảnh hưởng triều cường gây ngập úng toàn bộ diện tích, khả năng thiệt hại 100%.
Trước diễn biến của triều cường gây ảnh hưởng đến cuộc sống và thiệt hại về sản xuất của người dân, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè Nguyễn Hoàng Khải đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Dự án đầu tư huyện, UBND các xã ven tuyến sông Hậu tổ chức lực lượng và các phương tiện cơ giới, khẩn trương gia cố lại các tuyến đê bao, đường giao thông bị sạt lở; đồng thời, vận động người dân sử dụng các phương tiện sẵn có tại chỗ, phối hợp với chính quyền địa phương gia cố bảo vệ những đoạn xung yếu, nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại tài sản.