Trà xanh đi vào y thực Việt thế nào?

Trà lâu nay quen được biết đến là thứ nước uống. Nhưng nếu chú ý công dụng, trà còn có vai trò to lớn dùng để... ngâm rượu và chế biến món ăn thay thuốc.

Trà không chỉ để pha nước uống mà còn là linh hồn cho rượu và nhiều món ăn nên thuốc khác...

Ông Nguyễn Phúc Hảo, sành y thực (ăn thay thuốc), ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng ông bà ta rất khôn ngoan khi chọn cây trà (chè) làm thức uống hàng ngày. Bởi lá và đọt non trà có chủ vị chát đắng nhưng hậu ngọt bùi.

Và theo các sách: Phú Thang, Phú Mạch, Phú Nhân Thân, Thần Nông Bản Thảo... bất cứ đồ ăn thức uống nào tốt cho cơ thể phải có dư vị ngọt bùi.

 “Chân dung” một lão… trà ở đồi núi Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Bền.

“Chân dung” một lão… trà ở đồi núi Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Bền.

Khắc chế và tô điểm cho rượu

Cũng theo ông Hảo, cây trà Việt đã sát cánh cùng đoàn quân Nam tiến của chúa Nguyễn Hoàng. Nó giúp cơ thể người uống phần nào chống chọi với sơn lam chướng khí và minh mẫn hơn trong lao động, chiến đấu.

 Thành phần nguyên liệu quan trọng trong các dòng rượu Minh Mệnh chính hiệu luôn có trà. Ảnh: Tấn Tới.

Thành phần nguyên liệu quan trọng trong các dòng rượu Minh Mệnh chính hiệu luôn có trà. Ảnh: Tấn Tới.

Năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), nhiều loại trà đã đạt ngưỡng y mỹ thực (nên thuốc đến hoàn hảo). Đồng thời, trà còn “gánh vác” trọng trách giúp hoàn thiện nhiều thực phẩm khác, theo sách Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ.

Ông Nguyễn Phúc Hảo nháy mắt, bật mí: “Trong 175 dòng rượu thuốc Minh Mệnh chính hiệu đều có tinh dầu trà.”

Ông Hảo cho rằng, trà kết hợp với lá Hồng dương pha vào rượu mạnh sẽ làm người uống không bị nhức đầu, căng thái dương hay rối loạn tiêu hóa...

Đặc biệt, trà còn tạo màu sắc huyền ảo lung linh, hương vị thơm ngon trong rượu và thức uống. Ví như dòng rượu Thái dương khai vị nữ sóng sánh màu hổ phách trội vị chua thanh, hậu ngọt bùi, kích thích thực khách thêm thèm ăn. Khách uống xong, hương vị tinh nguyên của loại rượu vang này vẫn còn quyện lại nơi thành ly, đáy cốc hơn ba giờ.

Thăng hoa trong món canh chua

Lá và đọt trà mà đem nấu canh chua, mới nghe qua có lẽ bạn cho người viết chỉ “vẽ rắn thêm chân”. Nhưng không phải vậy, chính nội tướng của ông Hảo đã vào bếp chế biến món này đãi người viết cùng một số đồng nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tô canh chua tỏa mùi thơm thanh khiết, dịu dàng, phảng phất chút dư vị nồng nồng chan chát của trà sen. Ông Hảo giải thích thêm: “Món ăn bổ dưỡng cũng như một đạo quân, gồm đủ quân, thần, tá, sứ”. Với món canh này, gia vị chủ soái là trà, nhưng phải là loại chế biến thủ công không xử lý qua nhiệt mới đạt.

Tinh dầu trà sẽ giúp gắn kết, dung hòa dưỡng chất trong các nguyên liệu khác: Thịt gà và rau đậu. Đồng thời, lượng tinh dầu này sẽ khử sạch mùi tanh của gà và làm nhanh mềm xương.

Trợ thủ cho trà là ít lá giang, bởi nó hợp với gà. Và theo lương y Đinh Công Bảy (ở Thành phố Hồ Chí Minh), lá giang giúp tiêu thực, tiêu đàm, giải khát.

Tuy nhiên lá giang vốn chua hỗn, nên phải có ít khế hườm xắt lát đi kèm để kiềm lại. Mặc dù vậy, gia chủ vẫn tiếc rẻ vì thiếu ít lá chua me đất. Bởi loại lá này, giúp thanh nhiệt tuyệt vời.

Trái chuối chát cũng góp sức cùng trà, nhưng phải được gọt bỏ vỏ xanh. Và sứ giả báo hiệu cho canh là ít rau ngò gai, rau răm tươi non.

 Hấp dẫn và ớn ngán lẩu gà nòi nấu cùng lá trà xanh. Ảnh: Tấn Tới.

Hấp dẫn và ớn ngán lẩu gà nòi nấu cùng lá trà xanh. Ảnh: Tấn Tới.

Nước canh đục tựa sữa, chua ngọt thanh dịu và không thay đổi hương vị lúc nóng cũng như nguội. Còn miếng cánh gà mơn mởn, ngọt đậm, da không bị nứt nhưng xương đã mềm rụm... Thực khách càng say mê thưởng thức và trố mắt kinh ngạc.

Thêm một điều lạ nữa, nước chấm cho canh chua trà là, nước tương ngon pha tỏi với ớt giã giập chứ không phải nước mắm. Vì nước mắm sẽ làm hư hương vị trà.

Ông Hảo bảo rằng, món canh trà này giúp “cân bằng trạng thái tỉnh thức”, có nghĩa là ăn thường, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn lúc thức và chìm vào giấc ngủ sâu về đêm. Thế mới biết, kho tàng y thực Việt là vô giá!

Và nếu bạn có ý định thử thực hành món này, người viết xin lưu ý thêm: Nên chọn loại trà hiệu Miên Mỹ. Nếu không, bạn có thể dùng đọt và lá non trà xanh, trụng qua nước sôi năm, mười phút, để khử bớt chất chát đắng, tuy nhiên chất lượng chỉ đạt khoảng 50%.

Trà được cho vào nồi nước bốn lần vào các thời điểm sau: Nước lạnh, nước sủi tăm (cùng với thịt gà hoặc cá hay cá khô), nước sôi bùng, chuẩn bị nhấc xuống. Tỷ lệ lá trà và lá giang là 1-1. Với trà thành phẩm, bạn gia một, hai muỗng canh, trong nửa lít nước dùng là vừa.

Tạ Tri / NXB Tổng hợp TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tra-xanh-di-vao-y-thuc-viet-the-nao-post1162719.html