Trắc trở tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và Kosovo
Tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ kéo dài hơn 1 thập kỷ qua giữa Serbia và Kosovo có nguy cơ đình trệ, khi các cuộc đụng độ liên tiếp xảy ra giữa người bản địa Albania và cộng đồng thiểu số người Serbia tại Kosovo.
Căng thẳng leo thang khiến Serbia phải đặt quân đội trong tình trạng báo động toàn diện. Nga, Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu (EU) đều đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế.
Vùng lãnh thổ Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia từ năm 2008, nhưng Serbia không công nhận và vẫn coi đây là một phần lãnh thổ. Nguồn cơn xung đột là trong số 1,8 triệu dân, có khoảng 120.000 người gốc Serbia sống tại miền Bắc Kosovo không công nhận chính quyền này và mới đây đã tẩy chay các cuộc bầu cử chính quyền địa phương.
Lý do các nước lớn quan tâm đặc biệt đến căng thẳng giữa Serbia và Kosovo
Trước hết, việc các nước lớn quan tâm đến diễn biến cẳng thẳng hiện nay ở Serbia và Kosovo bởi vị trí địa lý đặc biệt của hai nước này ở trong lòng châu Âu. Về phía EU, khối này luôn muốn mở rộng sang phía Đông, điều này cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự hòa bình, ổn định lâu dài của EU.
Do đó, việc giữ hòa bình, ổn định trong khu vực là điều EU và nhiều đồng minh thực sự mong muốn và nhiều năm qua vẫn luôn nỗ lực tăng cường sức ảnh hưởng tới khu vực này để đạt được mục tiêu đó. Trong nhận thức của lãnh đạo EU và đồng minh, xung đột ở khu vực này sẽ là mối đe dọa thường trực đối với các nước châu Âu, đặc biệt là các quốc gia phát triển ở phía Tây.
Do đó, khi an ninh châu Âu đang bị đe dọa bởi cuộc xung đột Nga và Ukraine, việc giải quyết các tranh chấp và xung đột của các nước trong khu vực này cũng là ưu tiên của các nước lớn. Chắc chắn các nước không hề muốn phải chứng kiến một cuộc xung đột khác trong khu vực diễn ra vào thời điểm này. Mới đây, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng căng thẳng gia tăng ở Kosovo có thể dẫn đến một “vụ nổ lớn” ở trung tâm châu Âu. Cùng quan điểm này, ông Josep Borrell cũng khẳng định căng thẳng này có thể dẫn đến một tình huống nguy hiểm cho châu Âu.
Mặt khác, EU cũng muốn thúc đẩy giải quyết vấn đề giữa Kosovo và Serbia cũng như kéo các nước này lại gần hơn với khối đồng thời ngăn chặn sự ảnh hưởng của Nga đối với các quốc gia trong khu vực Balkan đặc biệt là Serbia. Căng thẳng hiện nay vào thời điểm vô cùng nhạy cảm khi phương tây đang tìm mọi cách kêu gọi sự ủng hộ trong các lệnh trừng phạt của khối này đối với Nga, nếu quan hệ giữa Kosovo và Serbia không được giải quyết kịp thời có thể khiến những toan tính của Mỹ và EU sẽ phải thay đổi.
Đối với NATO, Kosovo có vị trí khá đặc biệt trong các chính sách, chiến lược của khối này ở khu vực. Khi Serbia phát động một chiến dịch chống lại các cuộc nổi dậy của người Albania vào năm 1998, chính NATO đã can thiệp và khu vực này được đặt dưới sự kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Năm 2008, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây, Kosovo đã đơn phương tuyên bố độc lập bất chấp sự phản đối của Serbia và nhiều quốc gia. Cho đến nay, tình hình an ninh tại Kosovo vẫn được kiểm soát bởi lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, với vai trò chính là khối quân sự NATO, theo tinh thần Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Kế hoạch bình thường hóa quan hệ Serbia và Kosovo có nguy cơ đổ bể?
Với những sự ủng hộ tích cực từ các nước lớn, các khối như NATO và EU, sẽ khó có thể xảy ra kịch bản đổ vỡ kế hoạch này. Trước đó, bản thân các lãnh đạo của Serbia và Kosovo đã đồng ý về một thỏa thuận được phương Tây hậu thuẫn nhằm bình thường hóa quan hệ tuy nhiên cần lưu ý rằng trong số 11 điều khoản đó, hai bên vẫn tồn tại một số bất đồng và việc đồng ý thỏa thuận vừa qua vẫn chưa được đảm bảo chắc chắn tiến trình này sẽ sớm được giải quyết.
Vấn đề đặt ra là thời hạn để có được sự bình thường hóa quan hệ thực chất là bao giờ? Nếu những căng thẳng hiện nay không được giải quyết phù hợp thì chắc chắn tiến trình này bị ảnh hưởng, thậm chí kéo dài trong nhiều năm. Mặc dù vậy, khả năng đổ vỡ là khá thấp, bởi để đi đến thỏa thuận này cả hai bên đã có những sự nhượng bộ nhất định.
Ví dụ theo thỏa thuận mới, Serbia không công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập nhưng đồng ý công nhận các loại giấy tờ chính thức như hộ chiếu, bằng cấp và biển số xe, cũng như không ngăn cản Kosovo gia nhập bất kỳ tổ chức quốc tế nào. Đổi lại, Kossovo đồng ý đảm bảo mức độ tự quản phù hợp cho cộng đồng người Serb tại vùng lãnh thổ này. Như vậy có thể thấy cả Kosovo lẫn Serbia đều có những nỗ lực nhất định để giải quyết tình hình, tiến tới hội nhập EU.
Nhìn xa hơn, nếu thỏa thuận này không đạt được thì đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất chính là Kosovo và Serbia bởi mất đi sự ủng hộ từ EU và Mỹ đối với các vấn đề kinh tế, chính trị và các khoản đầu tư khác. Giới chức quốc tế đang thúc đẩy các cuộc đàm phán và tìm kiếm một giải pháp trong thời gian sớm nhất. Việc không đạt được đột phá mới trong quá trình đàm phán cũng như giải quyết xung đột hiện nay đồng nghĩa tình trạng bất ổn sẽ kéo dài khiến các bên đối mặt nguy cơ suy giảm kinh tế, bất ổn và xung đột liên tục.
Nỗ lực xin gia nhập NATO của Kosovo
Một thực tế hiện nay, Kosovo và Serbia đều được lãnh đạo bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc và chưa sẵn sàng thỏa hiệp. Với nhà lãnh đạo Kosovo, Albin Kurti, cựu lãnh đạo cuộc biểu tình của sinh viên và tù nhân chính trị ở Serbia, người tham gia chính các cuộc đàm phán do EU làm trung gian. Ông được biết đến là người có xu hướng chống lại các thỏa hiệp với Serbia. Trước những áp lực quốc tế trong những ngày qua, nhà lãnh đạo Kosovo vẫn bảo vệ lập trường của mình và ủng hộ các thị trưởng người Albania nhậm chức.
Trong khi đó, Serbia được lãnh đạo bởi Tổng thống dân túy Aleksandar Vucic, cũng thể hiện quan điểm rất rõ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ông khẳng định bất kỳ giải pháp nào cũng phải là sự thỏa hiệp để tồn tại lâu dài và sẽ theo đuổi cho tới khi đạt được điều gì đó. Rõ ràng, với các động thái căng thẳng từ hai bên thì việc tiến tới một thỏa thuận phù hợp trong vài ngày tới sẽ rất khó khăn.
Có thể thấy, việc căng thẳng leo thang giữa Kosovo và Serbia sẽ ảnh hưởng rất lớn rất lớn đến tiến trình gia nhập NATO của hai bên. Bởi lẽ, đạt được một thỏa thuận hòa bình với Serbia là điều kiện tiên quyết để Kosovo nhận được sự ủng hộ vào NATO. Từ tháng 3 vừa qua, phương tây đã hối thúc Kosovo và Serbia nhanh chóng đạt được thỏa thuận dưới sự hòa giải của EU.
Sự tham gia tích cực của Mỹ và các nước trong liên minh châu Âu cũng thể hiện nỗ lực rất lớn để giải quyết tranh chấp Kosovo-Serbia trong nhiều năm qua, kéo các nước này lại gần để đảm bảo sự ổn định đối với châu Âu sau những lo ngại nguy cơ bất ổn lớn hơn trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn diễn biến phức tạp.
Các quan chức quốc tế đang hy vọng dưới áp lực mạnh mẽ trong những ngày qua sẽ góp phần đẩy nhanh các cuộc đàm phán giữa hai bên và đạt được một giải pháp trong những tháng tới. Việc hai bên tiến tới giải quyết xung đột hiện tại và bình thường hóa quan hệ sẽ chỉ có được khi hai bên muốn tiến tới tư cách thành viên EU. Không có bước đột phá lớn nào đồng nghĩa với sự bất ổn kéo dài tại Balkan nói riêng và châu Âu nói chung cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của khu vực chưa kể tới những bất ổn và xung đột thường xuyên tại khu vực này.
Căng thẳng Serbia và Kosovo vốn đã dai dẳng từ lâu và dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong tương lai - một khi Serbia không công nhận Kosovo là nhà nước độc lập. Thế nhưng, kịch bản bùng phát xung đột nóng ở khu vực này rõ ràng là điều mà phương Tây không hề mong muốn, khi không những gây bất ổn an ninh cho khu vực mà còn hủy hoại nỗ lực tập hợp lực lượng ứng phó với Nga liên quan cuộc xung đột Ukraine./.