Trách nhiệm chính quản lý xăng là Bộ Công Thương, không thể đùn đẩy
'Quản lý xăng dầu có trách nhiệm phối hợp của nhiều bộ, ngành nhưng trách nhiệm quản lý chính là Bộ Công Thương, không thể đùn đẩy cho bộ nọ, bộ kia được', ĐBQH Trần Văn Lâm nói.
Tình trạng khan hiếm xăng dầu, đứt gãy nguồn cung và tạm đóng cửa một số cơ sở kinh doanh xăng dầu tiếp tục tái diễn ở TP.HCM trong những ngày gần đây.
Chiều 1/11, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết tính đến 12h cùng ngày, có 108 cửa hàng thiếu xăng trên tổng số 550 cửa hàng trên toàn địa bàn. Số lượng này tương đương gần 80% con số cao điểm hôm 10/10. Khi đó, TP.HCM có đến 137 cửa hàng hoạt động nhưng không có xăng để bán.
Ở Hà Nội, cục bộ một số nơi cũng xuất hiện tình trạng tương tự khi nhiều người vào đổ xăng chỉ được giới hạn đổ 30.000-50.000 đồng.
Đứt gãy nguồn cung xăng dầu là bất thường
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về thực trạng này, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng phải xem xét thực tế nguồn cung xăng dầu có đủ hay không, sai lệch với nhu cầu diễn biến thị trường, để từ đó phải có giải pháp điều tiết.
“Cần đảm bảo nguồn nhiên liệu lúc nào cũng phải đáp ứng nhu cầu và có dự trữ nhất định, không để đứt gãy như hiện nay”, theo ông Lâm.
Đánh giá về thực tế xảy ra những ngày qua khi nhiều cây xăng đóng cửa hoặc bán hàng nhỏ giọt, ông Lâm nói rằng đây rõ ràng là hiện tượng bất thường trong kinh doanh xăng dầu, vì kể cả khi nguồn cung thế giới lên cao, giá tăng, xăng dầu khan hiếm cũng không có hiện tượng bất thường như hiện nay.
“Trong điều kiện giá dầu thế giới tương đối hài hòa như hiện nay mà thị trường trong nước lại xảy ra những điều bất thường như vậy thì phải làm rõ căn nguyên, lý do”, ông Lâm nói.
Vị đại biểu nhấn mạnh trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước trong nắm bắt thông tin, điều phối thị trường và nguồn cung một cách hài hòa, hợp lý.
Việc để xảy ra đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung, theo ông Lâm, cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Hiện nay, việc quản lý xăng dầu có trách nhiệm phối hợp của nhiều bộ, ngành, song theo ông Lâm, trách nhiệm chính là của Bộ Công Thương, không thể đùn đẩy cho bộ nọ, bộ kia. Trước đó, cũng nói về câu chuyện trách nhiệm trong quản lý xăng dầu trong phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên không thừa nhận trách nhiệm chính mà cho rằng việc này có trách nhiệm quản lý đồng thời của 7 bộ, ngành.
“Vấn đề bây giờ là Bộ Công Thương có kịp thời nhạy bén, đầy đủ thông tin, căn cứ để đề xuất cơ chế, điều tiết thị trường này hay không”, ông Lâm nói và cho rằng vấn đề gì còn vướng cần đề xuất Chính phủ xem xét.
Ngoài vấn đề chiết khấu, ông Lâm nhìn nhận vấn đề của thị trường xăng dầu hiện nay còn do điều tiết nguồn cung. “Doanh nghiệp nhập hàng nhưng giá cao khiến họ chần chừ, giờ hàng không về kịp nên bị thiếu, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước phải giải quyết được vấn đề này”, theo ông Lâm.
Nên quy trách nhiệm về một mối
Bàn luận rộng hơn về câu chuyện trách nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho biết Luật giá hiện nay đang sửa đổi theo hướng tăng phân cấp, phân quyền đối với một số mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý về cho các bộ, ngành liên quan quản lý trực tiếp, không tập trung hết về đầu mối quản lý giá là Bộ Tài chính. Ví dụ, giao xăng dầu về Bộ Công thương quản lý là hợp lý, sẽ giúp giảm tải đầu mối.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) khẳng định nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý.
“Chiết khấu xuống quá thấp, chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời khiến doanh nghiệp bị thua lỗ, đương nhiên họ dừng lại. Nhưng vấn đề ở đây là sự phối hợp quản lý giữa Bộ Công Thương - quản lý về nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu và Bộ Tài chính - quản lý giá, chi phí… còn chưa tốt”, vị đại biểu đánh giá.
Về đề xuất của Bộ trưởng Tài chính giao lại quản lý xăng dầu về một đầu mối là Bộ Công Thương, ông Cường đánh giá như vậy là hợp lý. Theo đó, Bộ Công Thương quản lý nguồn cung, tính toán xem chi phí kinh doanh xăng dầu, còn Bộ Tài chính có quyền kiểm tra, giám sát qua các tiêu chí, tiêu chuẩn. “Nên tập trung quy trách nhiệm một đầu mối quản lý xăng dầu”, theo ông Cường.
Về lâu dài, vị đại biểu góp ý cần đa dạng hóa tổ chức kinh doanh phân phối xăng dầu, không nên tập trung vào một số đơn vị đầu mối lớn. Khi đó doanh nghiệp sẽ phải tự cạnh tranh, Nhà nước không phải can thiệp nhiều. Còn hiện tại, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và có khả năng ảnh hưởng tới lạm phát nên Nhà nước vẫn cần quản lý, can thiệp.