Trách nhiệm, chuyên nghiệp trong thực hiện công tác CCHC

Toàn tỉnh hiện có gần 900 cán bộ, công chức (CBCC) làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp (mỗi đơn vị bố trí từ 4-7 công chức trực). Qua 10 năm của Chương trình tổng thể CCHC, công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ CCHC và đội ngũ làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn tỉnh.

Người dân đến nhận kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Chiềng Pằn (Yên Châu).

Người dân đến nhận kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Chiềng Pằn (Yên Châu).

Hằng năm, Sở Nội vụ đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho CBCC làm công tác CCHC nhằm đáp ứng nhiệm vụ và yêu cầu chuẩn hóa. Từ năm 2015 đến nay, Sở đã phối hợp với Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) tổ chức trên 50 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác CCHC cho hơn 4.570 CBCC cấp xã, tập trung vào các nội dung, như: cập nhật những kỹ năng phân tích, tổng hợp, xây dựng kế hoạch, chương trình CCHC; một số vấn đề về nghiệp vụ kiểm soát và giải quyết TTHC; giải pháp phát triển chính quyền điện tử... Trước đây, đội ngũ này đều là công chức kiêm nhiệm, trình độ kiến thức không đồng đều, nhiều CBCC chưa được đào tạo hoàn chỉnh tiêu chuẩn ngạch, bậc. Đến nay, hầu hết đội ngũ CBCC làm công tác CCHC cơ bản có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như tác phong, đạo đức, lề lối làm việc.

Đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã Chiềng Pằn (Yên Châu), chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, đội ngũ CBCC nhiệt tình hướng dẫn người dân hoàn thiện các bước TTHC. Ông Phạm Văn Thảnh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Chúng tôi ưu tiên lựa chọn những cán bộ trẻ, nhiệt tình với công việc và có trình độ chuyên môn đúng với vị trí việc làm để phân công trực tại đây. Hiện, bộ phận có 4 công chức trực tại các lĩnh vực; trong đó có 3 đồng chí đều tốt nghiệp đại học, độ tuổi 35-40.

Việc bố trí cán bộ có chuyên môn trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. Anh Hoàng Văn Nam, công chức Lao động - Thương binh và Xã hội, xã Chiềng Pằn chia sẻ: Được giao nhiệm vụ tại bộ phận, tôi đã tham gia các lớp tập huấn liên quan đến lĩnh vực giải quyết chế độ, chính sách, lao động, việc làm nên việc giải quyết các TTHC cho tổ chức, cá nhân nhanh chóng hơn. Hầu hết hồ sơ đều được trả trước hạn.

Nhờ bám sát tình hình thực tiễn và chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cũng như kiện toàn sắp xếp lại đội ngũ CBCC, những năm gần đây, công tác CCHC trên địa bàn xã Chiềng Pằn nói riêng và huyện Yên Châu nói chung đã đạt được những kết quả khả quan. Năm 2020, huyện Yên Châu đứng đầu trong các khối huyện, thành phố về Chỉ số hài lòng của người dân; đứng thứ 2 về Chỉ số CCHC, đã khẳng định sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong thực hiện công tác CCHC, sự tận tụy, tận tâm của CBCC trong hoạt động chuyên môn được giao. Qua đó, việc giải quyết TTHC liên quan đến người dân thuận lợi hơn trước và thực sự tạo được niềm tin với nhân dân khi đến giao dịch. Ông Lừ Văn Hoan, bản Tô Pang, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, chia sẻ: Cán bộ làm việc tại đây rất nhiệt tình, chu đáo hướng dẫn người dân hoàn thành TTHC nhanh gọn, đa số đều được giải quyết xong ngay trong nửa buổi, không mất công sức, thời gian đi lại.

Những năm gần đây, một số chỉ số đo lường chất lượng phục vụ hành chính của tỉnh được đánh giá cao và tiến bộ qua các năm: Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2019 của tỉnh xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố đã cơ bản đạt mục tiêu của Chương trình tổng thể về CCHC giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ đề ra về “Bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước”.

Tuy nhiên, vẫn còn những phản ảnh về thái độ của CBCC làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp như hiện tượng tiêu cực khi tiếp nhận, thụ lý và giải quyết hồ sơ. Qua số liệu khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước cho thấy vẫn có 0,15% người dân được hỏi cho biết công chức gây phiền hà sách nhiễu, gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí; 5,81% người dân phải đi lại từ 3 lần để giải quyết công việc; 0,73% cơ quan trả kết quả trễ hẹn...

Khắc phục tình trạng này, các huyện, thành phố đều thành lập các đoàn, tổ thường xuyên kiểm tra chuyên đề, đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực thi đạo đức công vụ của CBCC. Qua kiểm tra, đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, xem xét và có hình thức xử lý kỷ luật cụ thể, nhằm xây dựng đội ngũ CBCC có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác CCHC, góp phần tạo niềm tin cho nhân dân.

Các cấp, ngành tiếp tục tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc bố trí, sử dụng CBCC thực hiện công tác CCHC; thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại CBCC theo hiệu quả công việc; kiện toàn, sắp xếp đội ngũ CBCC thực hiện CCHC đảm bảo về số lượng, chất lượng và quan tâm bồi dưỡng, tập huấn, thực hiện chế độ đãi ngộ chính sách của đội ngũ này theo quy định... nhằm mang đến sự hài lòng cho người dân và tổ chức góp phần xây dựng “chính quyền hành động, chính quyền thân thiện” với nhân dân.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/trach-nhiem-chuyen-nghiep-trong-thuc-hien-cong-tac-cchc-39086