Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ về biên phòng

Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. Tại Điều 32, Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) quy định về trách nhiệm của cơ quan tổ chức về biên phòng, trong đó có trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an có quy định riêng).

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ, BĐBP Lai Châu hướng dẫn người dân sử dụng máy cày làm ruộng lúa nước. Ảnh: Đức Duẩn

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ, BĐBP Lai Châu hướng dẫn người dân sử dụng máy cày làm ruộng lúa nước. Ảnh: Đức Duẩn

Điều 32, Luật BPVN quy định:

“1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về biên phòng.

2. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về biên phòng thuộc phạm vi phụ trách.

3. Tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh”.

Căn cứ quy định trên thì trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ về biên phòng bao gồm:

Thứ nhất, bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về biên phòng.

Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về biên phòng theo quy định tại khoản 2, Điều 28, Luật BPVN: Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng; tổ chức, chỉ đạo thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về biên phòng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên phòng.

Việc phối hợp nói trên được tiến hành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ. Hiện nay, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ được quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP, ngày 1-9-2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ được xác định cụ thể trên các mặt cơ bản sau: Pháp luật; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; hợp tác quốc tế; cải cách hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực; doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân khác; hội, tổ chức phi Chính phủ; tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; về cán bộ, công chức, viên chức; kiểm tra, thanh tra; quản lý tài chính, tài sản.

Nội dung quan hệ phối hợp trong thực hiện quản lý nhà nước về biên phòng giữa bộ, cơ quan ngang bộ với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an được xác định dựa trên phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ. Chẳng hạn, dựa trên nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng tổng hợp nhu cầu về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới; xây kè sông, suối biên giới, kè bảo vệ mốc quốc giới; trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hằng năm cân đối một khoản ngân sách thích hợp để dành riêng đầu tư xây dựng nhằm củng cố quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới.

Hằng năm, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Quốc phòng bố trí dự toán chi ngân sách Nhà nước cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành. Bộ Công thương phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan Nhà nước khác xây dựng chính sách phát triển thương mại ở khu vực biên giới, hướng dẫn hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Các bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới đất liền...

Thứ hai, bộ, cơ quan ngang bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về biên phòng thuộc phạm vi phụ trách; tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Bộ, cơ quan ngang bộ có thể ban hành thông tư hoặc trình Chính phủ ban hành nghị định liên quan đến quản lý nhà nước về biên phòng thuộc phạm vi phụ trách. Đồng thời, bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về biên phòng thuộc phạm vi phụ trách.

Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Nền biên phòng toàn dân là sức mạnh biên phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần và các nguồn lực với phương châm toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường. Việc tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân của bộ, cơ quan ngang bộ có thể là: Xây dựng, tổ chức thực hiện Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự và kế hoạch phòng thủ ở khu vực biên giới; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới; xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng; xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân vững mạnh, rộng khắp; tham gia xây dựng BĐBP; xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Thế trận biên phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Việc tham gia xây dựng thế trận biên phòng toàn dân của bộ, cơ quan ngang bộ có thể là: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, bố trí các cụm dân cư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; xây dựng công trình phòng thủ liên hoàn, vững chắc; tổ chức, bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, lực lượng phát huy sức mạnh tổng hợp, kịp thời xử lý các tình huống ở biên giới, khu vực biên giới; tổ chức nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

Quy định của Luật BPVN về trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ là cơ sở pháp lý để phát huy vai trò của bộ, cơ quan ngang bộ trong quản lý nhà nước về biên phòng; xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật về biên phòng và xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.

Thạc sĩ Vũ Quang Hùng, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trach-nhiem-cua-bo-co-quan-ngang-bo-ve-bien-phong-post439258.html