Trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội
Giới chuyên gia Mỹ mới đây cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng đối với giới trẻ nước này, mà ở đó, mạng xã hội là một trong những nguyên nhân chính. Sự lan truyền nhanh chóng và khó kiểm soát của các tin tức có nội dung xấu, độc, giả mạo trên không gian mạng đang đặt ra vấn đề về trách nhiệm pháp lý của các hãng công nghệ đối với người dùng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Việc sử dụng không an toàn mạng xã hội gây ra những tác động tiêu cực cho người dùng, nhất là với thanh, thiếu niên và trẻ em. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, 95% thanh, thiếu niên tại nước này đang sử dụng mạng xã hội, và có tới một phần ba trong số này sử dụng với tần suất liên tục.
Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy nhấn mạnh, mạng xã hội ẩn chứa những nội dung cực đoan, độc hại với các em như việc "bình thường hóa" hành vi tự làm hại bản thân hay tự sát.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, các đề xuất từ thuật toán của YouTube đã thúc đẩy việc gửi những video bạo lực và hình ảnh về súng đạn cho trẻ em. Trong khi đó, theo Ngân hàng TSB của Anh, số vụ lừa đảo trên các nền tảng trực tuyến của Meta, gồm Facebook, WhatsApp và Instagram, chiếm tới 80% tổng số vụ lừa đảo theo hình thức mạo danh, mua hàng và đầu tư trên mạng xã hội mà ngân hàng này thống kê.
Trước những số liệu đáng báo động này, một lần nữa, câu chuyện về trách nhiệm của các nền tảng trực tuyến trong kiểm soát chặt chẽ nội dung lại được nhắc đến. Các hãng công nghệ lớn từng có một thời kỳ đỉnh cao với lợi nhuận và doanh thu vượt trội trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ. Song cũng chính trong giai đoạn này, những nguy cơ tiềm ẩn đối với người dùng mạng lại bộc lộ rõ nét. Chỉ riêng từ tháng 10 đến tháng 12/2020, Facebook đã phải xóa 1,3 tỷ tài khoản giả mạo.
Ý thức được những hệ lụy và mối nguy hiểm từ không gian mạng, hàng loạt quốc gia có bước đi quyết liệt trong quản lý các nền tảng trực tuyến. Hồi tháng 3/2023, Utah trở thành bang đầu tiên của Mỹ ban hành luật yêu cầu các trang mạng xã hội tăng cường quyền giám sát các tài khoản của người dùng dưới 18 tuổi cho các bậc cha mẹ. Ðộng thái này của Xứ Cờ hoa đã gia tăng áp lực với các nền tảng mạng xã hội trong việc xác minh tuổi của người dùng.
Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy Ðạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), với các quy định hướng tới cấm hoạt động quảng cáo có chủ đích nhằm vào trẻ em hoặc dựa trên các dữ liệu nhạy cảm như tôn giáo, giới tính; buộc các nền tảng quyết liệt chống thông tin sai lệch... Nếu không tuân thủ DSA, các công ty công nghệ sẽ phải đối mặt mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu. Ở châu Á, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023, Indonesia kêu gọi các nước trong khu vực hợp tác chặt chẽ chống tin giả.
Trước sức ép gia tăng từ chính phủ các nước, phần lớn các nền tảng trực tuyến có động thái tăng cường tính minh bạch thông tin, đẩy mạnh việc đóng các tài khoản giả mạo và chặn hành vi lan truyền thông tin sai lệch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nhiều người vẫn là nạn nhân của các hành vi phạm tội trên không gian mạng, đòi hỏi các nền tảng này cần hành động quyết liệt và có trách nhiệm hơn nữa.
Mới đây, thông tin về việc Twitter quyết định rút khỏi Ðạo luật DSA của EU đã dấy lên không ít tranh cãi. Giới chức EU cho rằng, mức độ lan truyền thông tin sai lệch trên Twitter đang ngày càng gia tăng và gây khó chịu cho người dùng.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc quản lý chặt chẽ các nền tảng trực tuyến, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU Thierry Breton khẳng định, quy mô hoạt động lớn phải đi kèm với trách nhiệm lớn. Những án phạt tài chính đối với các mạng xã hội liên quan sai phạm thời gian qua cho thấy mức độ tin cậy của các nền tảng này vẫn còn bấp bênh. Các công ty công nghệ cần tiếp tục thực hiện những chính sách nghiêm ngặt để hướng tới xây dựng môi trường mạng an toàn cho tất cả mọi người, vốn là nhu cầu cấp thiết trong thời đại mới.