Trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác xây dựng Đảng

NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước

BPO - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Do đó, người đứng đầu lại càng là “cái gốc” quyết định sự thành, bại của đơn vị, địa phương. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương là 1 trong 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng cần làm ngay mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nêu rõ. Để thực hiện hiệu quả giải pháp quan trọng này, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực hiện đúng những nội dung Trung ương đã nêu trong nghị quyết, chỉ thị và kế hoạch của Bộ Chính trị và cần có cơ chế để cá nhân người đứng đầu chính quyền phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp.

Người đứng đầu giữ vai trò quyết định

Thực tiễn đã chứng minh cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy có vai trò rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Vai trò này được minh chứng trong việc thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức trước nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cấp ủy có tác dụng thúc đẩy và tạo động lực cho những bước phát triển mạnh mẽ hoặc ngược lại. Người đứng đầu cấp ủy giữ vai trò quan trọng về đối nội, đối ngoại, nhằm mở rộng mối quan hệ giao lưu, giao tiếp với các đối tác, các mối liên hệ trong cộng đồng và xã hội, tạo điều kiện cho cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ; là đầu mối tổ chức triển khai mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương theo nghị quyết của các cấp ủy. Khi xảy ra các vụ việc liên quan đến tránh nhiệm thuộc thẩm quyền quản lý, người đứng đầu cấp ủy luôn phải “đứng mũi, chịu sào”, chịu trách nhiệm chính. Phát hiện, xử lý vấn đề nhanh hay chậm, bỏ qua hay kịp thời khắc phục những mặt yếu kém, những vấn đề nảy sinh... đều phụ thuộc người đứng đầu cấp ủy. Cho nên, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy rất lớn, có ý nghĩa quyết định mọi thành, bại trong quá trình hoạt động, phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có tác dụng giữ vai trò tạo đà, thế, cơ hội cho việc phát huy thế mạnh; khắc phục những yếu kém của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Người đứng đầu giữ vai trò quyết định đến hoạt động và phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong mọi trường hợp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn bộ, trực tiếp trước cấp trên và trước cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền. Do đó, người đứng đầu có trọng trách lớn trong mọi hoạt động lãnh đạo tổ chức, điều hành cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng; chịu trách nhiệm chính trong việc ra các quyết định, chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Với yêu cầu phải có khả năng quán xuyến, tổng hợp, khái quát cao, đòi hỏi người đứng đầu phải có năng lực nghe, nhìn, phân tích, đánh giá hiện tượng, sự việc một cách khách quan và chính xác những vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý. Trong những trường hợp cụ thể, người đứng đầu phải có khả năng dự đoán tình hình để kịp thời chuẩn bị kịch bản ứng phó.

Đảm bảo tổ chức đảng là hạt nhân chính trị

Bình Phước là tỉnh tái lập sau, còn nhiều khó khăn, nhưng công tác xây dựng tổ chức đảng, đảng viên được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh rất chú trọng. Các cấp ủy đảng tập trung đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, đảm bảo tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; ban hành và thực hiện đúng quy chế làm việc; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; phát huy vai trò cấp ủy, nhất là người đứng đầu; tăng cường kỷ cương, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Trong những năm qua, cùng với khó khăn chung của cả nước, khu vực Đông Nam Bộ và đặc thù riêng của tỉnh là có sự thay đổi nhiều về địa giới hành chính cấp huyện, thị xã nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh phát triển cả về lượng và chất. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 38.757 đảng viên, với 21 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 731 tổ chức tổ chức cơ sở đảng và 2.392 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở.

Từ thực tiễn hoạt động trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính Nhà nước và Quy định số 101-QÐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Vì vậy, trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng của toàn đảng bộ từ tỉnh đến cơ sơ đã làm nổi bật vai trò của cá nhân người đứng đầu cấp ủy. Đảng bộ tỉnh đã xây dựng đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng để từng bước phù hợp với tổ chức chính quyền theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X); cụ thể hóa và ban hành Quyết định số 999-QĐ/TU của Tỉnh ủy về việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương với mục tiêu trọng tâm là “4 giảm, 4 tăng” là hoạt động nổi bật nhất trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thời gian qua.

Nhìn một cách tổng thể, việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành triển khai đồng bộ, công khai, minh bạch... Mặc dù còn một số trường hợp khiếu kiện, khiếu nại nhưng đã được các cấp, ngành giải quyết ổn thỏa, hài hòa, hợp tình, hợp lý và theo quy định của pháp luật. Đội ngũ công chức, viên chức và người lao động dần ổn định tâm lý, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đã yên tâm công tác, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Người đứng đầu - trung tâm đoàn kết nội bộ

Trong giai đoạn hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của thế giới, trong nước và khu vực, để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đảng bộ các cấp, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” khi nhất thể hóa vai trò bí thư và thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ giúp tinh gọn bộ máy, phù hợp với xu thế, yêu cầu cải cách bộ máy hành chính nhà nước và cải cách hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gắn với quy hoạch cán bộ và tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Tổ chức bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Đề án số 05-ĐA/TU của Tỉnh ủy, nhằm xây dựng và tạo nguồn cán bộ bổ sung cho nhân sự lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần xây dựng Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp phát triển; tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến chỉ đạo thực hiện. Trách nhiệm của người đứng đầu thể hiện cao hơn; quyết định, điều hành công việc nhanh hơn, sát hơn, tập trung hơn...

Phát huy vai trò bí thư cấp ủy vừa là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương vừa là vai trò hạt nhân chủ chốt, trung tâm đoàn kết và là “linh hồn” của cơ quan lãnh đạo Đảng ở mỗi cấp, thực hiện tốt nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể với cá nhân. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương phải là người chịu trách nhiệm trước tập thể lãnh đạo triển khai thực hiện nghị quyết của cấp ủy để tạo động lực khuyến khích người đứng đầu hăng hái, nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.

Hằng tháng, quý, 6 tháng và năm thực hiện tốt việc đánh giá người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan cùng với việc thực hiện bầu cử, đề bạt, bổ nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần thực hiện nghiêm theo quy định; nhằm bảo đảm người đứng đầu phải có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; chỉ đạo xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của tổ chức đảng với cơ quan, đơn vị, địa phương là chính quyền các cấp. Phân định rõ quy chế lãnh đạo của cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ cùng lề lối làm việc của tập thể, cá nhân người đứng đầu với cấp ủy.

Cấp ủy, người đứng đầu phải trực tiếp tham gia sinh hoạt chi bộ và dự chỉ đạo một số chi bộ để duy trì nền nếp; chỉ đạo sinh hoạt đảng đúng định kỳ, thường xuyên chỉ đạo đổi mới nội dung sinh hoạt hằng tháng và sinh hoạt chuyên đề gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mở rộng dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, làm cho tư tưởng đảng viên thông suốt, tạo điều kiện cho đảng viên nói thẳng, nói thật. Trong sinh hoạt chi bộ, cấp ủy phải chủ động lựa chọn, chuẩn bị tốt các nội dung sinh hoạt cụ thể, thiết thực, phù hợp với việc tổ chức triển khai nhiệm vụ chính trị kết hợp với công tác xây dựng Đảng.

Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn nội dung sinh hoạt; kịp thời biểu dương đối với điển hình tiêu biểu và nhắc nhở kịp thời các trường hợp thực hiện chưa nghiêm sinh hoạt chi bộ; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tổ chức, điều hành cơ quan, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/145234/trach-nhiem-cua-cap-uy-va-nguoi-dung-dau-trong-cong-tac-xay-dung-dang