Trách nhiệm của người đứng đầu trong sử dụng, quản lý xe công vụ?

Vụ việc Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh sử dụng xe công vụ đón con gái ở Sân bay Vinh khiến dư luận xôn xao. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu khi xe công vụ bị sử dụng sai mục đích?

Chiếc xe biển xanh của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đón người nhà Chủ tịch Hội này ở Sân bay Vinh. Ảnh: cắt từ clip

Chiếc xe biển xanh của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đón người nhà Chủ tịch Hội này ở Sân bay Vinh. Ảnh: cắt từ clip

Tài xế bị phạt 2,5 triệu đồng

Vừa qua, dư luận xôn xao vụ việc xe ô tô biển xanh 38A - 066.xx cấp cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh chở bà Nguyễn Thị Lệ Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đi chúc Tết cán bộ lão thành ở tỉnh Nghệ An, rồi kết hợp đón con gái đi từ Sân bay Vinh về tỉnh Hà Tĩnh. Đáng chú ý, quá trình di chuyển, tài xế đã bật đèn ưu tiên và còi.

Sau khi mạng xã hội và báo chí phản ánh, Phòng CSGT CA tỉnh Hà Tĩnh đã làm rõ, lái xe là ông P.H.S (SN 1972, trú phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) có hành vi vi phạm khi xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

Đồng thời xử phạt 2,5 triệu đồng về hành vi nêu trên, tước GPLX 2 tháng, tịch thu bộ còi, đèn ưu tiên và thông báo vi phạm đến cơ quan công tác của ông S.

Trao đổi với báo chí, nữ Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chiều 2/2, sau khi đi chúc Tết các cán bộ lão thành Hội phụ nữ ở tỉnh Nghệ An, sau đó, bà có kết hợp đón con gái mang bầu từ Sân bay Vinh về nhà.

Quá trình chờ đón, do máy bay đáp trễ nên xe chờ hơi lâu. Lúc con gái bà Hà ra lên xe thì xe đông nên tài xế có bật đèn, còi ưu tiên để chạy cho nhanh. Bà Hà thừa nhận, việc sử dụng xe công vụ vào sân bay đón con là sai.

Trao đổi về vụ việc này, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ đã có những quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng xe ô tô công (gọi tắt là xe công). Theo Nghị định này, đối tượng áp dụng gồm:

Cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án sử dụng vốn Nhà nước (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị); DN do Nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm cả các DN là công ty con và đơn vị trực thuộc (sau đây gọi là DN Nhà nước).

Các hội quần chúng có tính chất đặc thù được Nhà nước hỗ trợ xe ô tô theo quy định tại Điều 20 Nghị định này. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xác định, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

Theo luật sư Thái, Nghị định trên quy định rõ các chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác; các chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác; các chức danh được sử dụng xe ô tô đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại và đi công tác.

Đồng thời, quy định mục đích sử dụng xe gồm: xe ô tô phục vụ công tác các chức danh; xe ô tô phục vụ công tác chung; xe ô tô chuyên dùng; xe ô tô phục vụ lễ tân Nhà nước.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu

Về quản lý sử dụng các xe công này, luật sư Thái cho biết, Nghị định cũng quy định tùy từng trường hợp mà áp dụng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hoặc Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

“Việc sử dụng xe công được giao phải đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định của pháp luật. Trường hợp giao sai đối tượng, sử dụng sai mục đích có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích theo Nghị định số 63/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng” - luật sư Thái nêu quan điểm.

Luật sư Thái cũng cho rằng, quá trình sử dụng xe công phục vụ công tác, việc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên như còi, cờ, đèn cũng phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 109/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Căn cứ quy định nêu trên thì những xe ưu tiên chỉ được bật tín hiệu còi ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ. Trường hợp không đi làm nhiệm vụ mà vẫn cố tình bật tín hiệu còi để được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông là trái quy định.

Qua vụ việc trên, luật sư Thái cũng cho biết, ngoài việc xử lý kỷ luật, xử phạt đối với cá nhân có vi phạm cũng cần xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị mình.

Luật sư Thái phân tích, việc này đã được quy định rõ tại khoản 2 Điều 11, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đó là: người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau-trong-su-dung-quan-ly-xe-cong-vu-370394.html