Trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo
Những năm gần đây, Thái Nguyên được biết đến là điểm sáng của cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Đóng góp vào thành tích chung này, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự điều hành sáng tạo của UBND tỉnh, là sự vào cuộc đầy trách nhiệt, với nhiều đổi mới, sáng tạo của HĐND tỉnh trong việc quyết định cơ chế, chính sách cũng như thực hiện các chức năng, nhiệm vụ liên quan khác.
Thường trực HĐND tỉnh: Cốt lõi tạo nên những thành công
Với 15 kỳ họp, trong đó có 12 kỳ họp thường kỳ, 1 kỳ họp chuyên đề và 2 kỳ họp bất thường, trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua 313 nghị quyết (NQ), trong đó có 132 NQ thường kỳ và 180 NQ chuyên đề. Trong số này có nhiều NQ mang tính đột phá về cơ chế, chính sách, tạo động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, góp phần đảm bảo quốc phòng -an ninh, thực hiện an sinh xã hội. Mới đây nhất, tại kỳ họp thường kỳ cuối cùng (từ ngày 9 đến 11/12/2020), HĐND tỉnh đã thông qua 42 NQ, trong đó có 4 NQ chuyên đề cho cả giai đoạn 2021-2025, trong đó có NQ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nhằm tạo điều kiện để các cấp, ngành trong tỉnh nhanh chóng đưa NQ của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX vào cuộc sống.
Các NQ được ban hành bao trùm mọi mặt của đời sống xã hội, tác động đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Một số NQ tiêu biểu như: NQ về ban hành chính sách ưu đãi đầu tư đối với Dự án của Tập đoàn Samsung; NQ quy định chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; NQ về hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới (NTM); NQ về dồn điền, đổi thửa; phát triển nông nghiệp chủ lực, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ...
Những chính sách này đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và bứt phá ở khu vực công nghiệp (quy mô giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ tư cả nước, giá trị xuất khẩu đứng thứ hai cả nước); cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân chung của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 13,4% năm 2016 xuống còn 3,1% vào năm 2020. Đến nay, Thái Nguyên có 166 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 8,5 tỷ USD (vốn thực hiện hơn 8,2 tỷ USD); tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 238 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Toàn tỉnh có 108/143 xã được công nhận đạt xã NTM (75,5%), 3/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 1 huyện có 100% xã đạt chuẩn NTM; 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 99,67% hộ dân vùng núi có điện lưới sinh hoạt; 100% số xã vùng dân tộc thiểu số có trạm y tế; 98,5% người dân hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế…
Thường trực HĐND tỉnh luôn bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, các quy định của pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển KT-XH của đất nước, của vùng và của tỉnh để việc xây dựng và ban hành NQ đảm bảo chất lượng, có tính khả thi cao. Cùng với đó, chú trọng thực hiện việc thu thập, đánh giá, phân tích thông tin có liên quan đến nội dung NQ. Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT) chuyên đề để tham vấn ý kiến nhân dân… Trên các lĩnh vực hoạt động khác như: Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; thực hiện chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND… cũng đã được HĐND tỉnh khóa XIII quan tâm, đổi mới trong cách thức tổ chức, triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 787 cuộc TXCT, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp xúc gần 85 nghìn lượt cử tri, tiếp thu 8,2 nghìn lượt ý kiến, kiến nghị; có 750 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh được gửi đến UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo giải quyết và trả lời theo thẩm quyền.
Với quyết tâm không để ý kiến, kiến nghị của cử tri bị “lãng quên” sau mỗi kỳ TXCT, ngay từ năm 2017, HĐND tỉnh đã lựa chọn, tổ chức giám sát chuyên đề về nội dung này và được Thường trực HĐND tỉnh thực hiện thường xuyên trước mỗi kỳ họp thường lệ. Kết quả, đã giám sát được 8 cuộc, với 682 kiến nghị của cử tri. Tính đến cuối tháng 11-2020, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã giải quyết xong hoặc trả lời giải trình, thông tin đến cử tri 592 kiến nghị; 90 kiến nghị còn lại đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Đối với việc thực hiện các phiên chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND tỉnh, qua 4 phiên được tổ chức, đã có 47 lượt đại biểu thực hiện chất vấn hoặc yêu cầu giải trình, về 71 nội dung liên quan đến các vấn đề mà được nhiều cử tri quan tâm. Để các nội dung này được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các ban HĐND tỉnh làm tốt việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện “lời hứa” của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng. Theo đó, năm 2020, các ban HĐND tỉnh đã thực hiện khảo sát tại 23 đơn vị về nội dung này. Nhờ vậy, nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền…
Một nhiệm kỳ hoạt động sắp khép lại, có thể nói, HĐND tỉnh khóa XIII đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả hệ thống chính trị hoàn thành thắng lợi mục tiêu NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, tạo tiền đề vững chắc để bước vào chặng đường tiếp theo, mà mục tiêu phía trước cần hướng tới đó là xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2030 và là trung tâm KT-XH, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa đối với toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc…