Trách nhiệm đối thoại

Cuộc gặp được trông đợi giữa lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc diễn ra ngày 15/11 tại thành phố San Francisco của Mỹ với một số kết quả cụ thể: khôi phục liên lạc quân sự, thành lập nhóm công tác về hợp tác chống ma túy, tăng cường giao lưu nhân dân. Mặc dù không phải là những kết quả lớn, song cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn được đánh giá là tín hiệu tích cực, góp phần xây dựng mức độ tin cậy tối thiểu trong mối quan hệ song phương vốn hiếm khi 'xuôi chèo mát mái'.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 ở California, Mỹ ngày 15/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 ở California, Mỹ ngày 15/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra khi quan hệ Mỹ - Trung có phần hòa dịu hơn so với khoảng thời gian này năm ngoái. Vào thời điểm đó, căng thẳng hai bên gia tăng và các kênh liên lạc, đặc biệt là quân sự, đã đóng băng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8/2022 tới Đài Loan (Trung Quốc). Trước khi khởi hành đến San Francisco, Tổng thống Biden cho biết mục tiêu của cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đơn giản là đưa trao đổi Mỹ - Trung trở lại ổn định sau một năm đầy biến động, ngay cả khi hai nước vẫn tồn tại nhiều khác biệt. Ông chia sẻ việc giới chức hai nước “có thể nhấc điện thoại và trao đổi với nhau nếu xảy ra khủng hoảng, cũng như có thể đảm bảo quân đội hai nước vẫn liên lạc với nhau” để tránh những tính toán sai lầm, đã là một thành công. Về phần mình, trong thông điệp gửi Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung tại New York, ông Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Washington để quản lý khác biệt và làm việc cùng nhau để ứng phó với những thách thức toàn cầu.

Trên tinh thần đó, có thể nói cả hai bên đều thu được kết quả nhất định. Đối với Mỹ, ngoài việc đạt được đồng thuận về triển khai các biện pháp nhằm giảm "đáng kể" việc sản xuất tiền chất của thuốc giảm đau fentanyl thuộc nhóm opioid, Tổng thống Biden cũng đã đạt được sự nhất trí với Chủ tịch Tập Cận Bình về nối lại các kênh liên lạc quân sự cấp cao – yếu tố cần thiết để tránh những tính toán sai lầm có thể dẫn đến khủng hoảng hoặc xung đột. Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận được cam kết của nhà lãnh đạo Mỹ về chính sách “Một Trung Quốc”.

Đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo cũng đã xác định rõ phương hướng là ngăn quan hệ Mỹ-Trung đi chệch hướng và mất kiểm soát, tìm ra con đường sống chung đúng đắn, đồng thời cho thế giới thấy hai nước có thể quản lý tốt bất đồng, đảm bảo cạnh tranh không biến thành xung đột. Tổng thống Biden nói rằng Washington và Bắc Kinh sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao cấp cao và nhất trí với nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc tăng cường liên lạc trực tiếp. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh hai nước cần thúc đẩy một tầm nhìn mới và cùng nhau xây dựng 5 trụ cột cho quan hệ song phương gồm phát triển nhận thức đúng đắn; giải quyết hiệu quả bất đồng; tôn trọng các nguyên tắc và “lằn ranh đỏ”; tăng cường trao đổi, đối thoại và tham vấn; và cùng thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Dù không có tuyên bố chung, nhưng trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, Tổng thống Biden đánh giá hai bên đã có một trong những cuộc thảo luận mang tính xây dựng và hiệu quả nhất từ trước tới nay, đồng thời đạt được tiến triển trong một số vấn đề.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 5, trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ 4, phải) trong cuộc hội đàm bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 ở California, Mỹ ngày 15/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 5, trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ 4, phải) trong cuộc hội đàm bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 ở California, Mỹ ngày 15/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chuyên gia nhận định các thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ đóng vai trò quan trọng đối với quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai. Nhà nghiên cứu Zoe Liu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), cho biết các thỏa thuận về fentanyl và khôi phục liên lạc quân sự song phương là “những chỉ dấu tích cực cho thấy cả hai nước đều có mục tiêu tạo ra một nền tảng để ngăn chặn quan hệ song phương xấu đi hơn nữa”. Bà cho rằng dù “những thỏa thuận này sẽ không thay đổi những thách thức mang tính cơ cấu trong quan hệ song phương, nhưng sẽ giúp mở đường cho các cuộc thảo luận chi tiết hơn ở cấp độ làm việc và đây là điều có ý nghĩa quan trọng hơn”.

Trong khi đó, Giáo sư David Arase tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ Hopkins-Nam Kinh nhận định dù không đạt được kết quả lớn nhưng cuộc gặp có thể thúc đẩy mở lại các kênh thảo luận và tham vấn thường xuyên nhằm ngăn chặn căng thẳng đáng lo ngại và sự đối đầu ngày càng gia tăng trong quan hệ song phương.

Có thể nói, cuộc gặp tại San Franciso là kết quả của một loạt hoạt động ngoại giao con thoi trong năm nay, gồm các chuyến thăm cấp cao của quan chức hai nước kể từ tháng 6. Tuần trước, nhóm công tác kinh tế gồm các quan chức của cả hai nước đã tổ chức cuộc họp đầu tiên. Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc vừa nối lại tham vấn về kiểm soát vũ khí sau 4 năm gián đoạn và đạt được tuyên bố chung về vấn đề khí hậu. Do đó, cuộc gặp giữa hai nguyên thủ tại San Franciso có ý nghĩa quan trọng, giúp mở ra những cơ hội xúc tiến các cuộc đối thoại cởi mở hơn, sâu hơn. Tất cả thể hiện nỗ lực của hai nước nhằm quản lý một cách có trách nhiệm quan hệ song phương và duy trì các kênh liên lạc mở.

Có nhiều lý do khiến cả Mỹ và Trung Quốc nỗ lực tìm kiếm đối thoại để cải thiện quan hệ và đảm bảo cạnh tranh không vượt ngoài tầm kiểm soát. Đối với Mỹ, Tổng thống Biden đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống 2024, nên muốn quan hệ Mỹ - Trung ổn định trong bối cảnh Washington phải bận tâm với các vấn đề gai góc khác như các cuộc xung đột ở châu Âu và Trung Đông. Bản thân Washington cũng nhận thức rõ quan hệ đối đầu với Trung Quốc về kinh tế, chính trị và an ninh sẽ gây tổn hại lớn cho Mỹ.

Trong khi đó, căng thẳng leo thang với Washington đã tác động tiêu cực đến đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, khiến một số công ty đa quốc gia rút lui hoặc thu hẹp quy mô hoạt động tại nước này. Một số doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Mỹ, đang ngần ngại rót vốn vào Trung Quốc trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm lại. Do vậy, với chuyến công du đến Mỹ dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), gặp Tổng thống Biden và cũng như gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, ông Tập Cận Bình một mặt muốn cho công chúng trong nước thấy rằng ông đang quản lý tốt các mối quan hệ với Mỹ, mặt khác gửi tín hiệu đến cộng đồng doanh nghiệp rằng Trung Quốc vẫn là một nơi hấp dẫn để đầu tư, kinh doanh.

Là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, bất đồng và lợi ích luôn song hành trong quan hệ Mỹ - Trung và có sự ràng buộc, đan xen. Hơn hết, hai nước đều nhận thức được rằng những khác biệt sâu sắc, nếu không được quản lý, có thể gây ra hậu quả khó lường cho cả hai. Do đó, hai nước có trách nhiệm đối thoại nhằm quản lý có trách nhiệm các khác biệt, để đảm bảo cạnh tranh không biến thành xung đột, bởi sự ổn định trong quan hệ Mỹ - Trung không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước mà còn cả thế giới. Như nhận định của nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu về Trung Quốc và toàn cầu hóa (trụ sở tại Bắc Kinh) Wang Huiyao: "Thế giới cần sự ổn định và khi lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất gặp nhau, điều đó sẽ ổn định nền kinh tế toàn cầu và tạo ra những tín hiệu tốt cho phần còn lại của thế giới".

Phương Oanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/trach-nhiem-doi-thoai-20231116174819606.htm