Trách nhiệm không phải là... 'quả bóng'

Ngày 1/7 Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công Dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Cụ thể, có thể hiểu khái quát là báo cáo của Bộ Tài chính (văn bản số 8747 ngày 19/6) theo yêu cầu của Chính phủ về việc kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu tại gói thầu nêu trên không đạt yêu cầu.

Ngoài việc báo cáo của Bộ Tài chính quá chậm về thời gian so với chỉ đạo của Chính phủ (yêu cầu thời hạn nộp báo cáo là ngày 10/6) thì quan trọng hơn, các nội dung báo cáo chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ. Xin dẫn chứng: nội dung báo cáo và kiến nghị chưa thể hiện đúng trách nhiệm, chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu; chưa thực hiện đúng quy định đối với công tác kiểm tra hoạt động lựa chọn nhà thầu; không nêu và phân tích cụ thể về kết quả kiểm tra và không nêu nội dung kết luận và các kiến nghị cụ thể đối với đơn vị được kiểm tra, kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, Chính phủ giao tiến hành kiểm tra năng lực, kinh nghiệm của Tổ chuyên gia, song Bộ Tài chính báo cáo chỉ kiểm tra về Chứng chỉ đấu thầu và giao Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm bảo đảm năng lực, kinh nghiệm của các thành viên Tổ chuyên gia... là chưa làm tròn trách nhiệm. Với chỉ đạo: "… tiến hành kiểm tra việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu này (nội dung Hồ sơ mời thầu, kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, việc xử lý, giải quyết kiến nghị trong đấu thầu; năng lực, kinh nghiệm của Tổ chuyên gia và các nội dung cần thiết khác)…" nhưng Bộ Tài chính cũng chỉ kết luận "Nội dung đánh giá "không đáp ứng" của Tổ chuyên gia" về phạm vi kiểm tra.

Nêu lại câu chuyện để thấy, tại báo cáo của Bộ Tài chính, nhiều yêu cầu đặt ra của Chính phủ đã không được làm rõ. Vậy vai trò tham mưu của cơ quan chức năng chuyên ngành ở đâu? Điều đó xảy ra đối với cấp Bộ, cơ quan chức năng đứng đầu về công tác tham mưu cho Chính phủ về lĩnh vực được giao trong theo dõi, quản lý và điều hành là rất đáng lo ngại.

Thử phân tích nguyên nhân, nếu chỉ vì năng lực không đáp ứng được yêu cầu tham mưu thì điều đó đồng nghĩa với sự hạn chế, non nớt về kiến thức, trình độ nghiệp vụ nên nắm các vấn đề không sâu sát, thực thi công việc không hiệu quả. Phải chăng đó cũng là thực tế dẫn đến hiện tượng phổ biến khi nhiều cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, chấm công để lĩnh tiền lương từ ngân sách mà không tính đến kết quả công việc được giao. Lại có một bộ phận cán bộ “tình nguyện” làm công tác văn thư, văn bản chỉ gửi lên, gửi xuống, kết quả công việc là… trình ký, chứ thực sự không đủ trình độ làm công tác tham mưu.

Tuy nhiên, nguy hiểm hơn việc không thấu hiểu những chỉ đạo của Chính phủ trong từng vấn đề cụ thể là chuyện “đá quả bóng” trách nhiệm. Vì sự an toàn của bản thân, thậm chí có cả những khúc mắc trong những quy định của pháp luật khi những vấn đề liên quan có những cách giải quyết cụ thể còn khác nhau do thiếu đồng bộ, vậy là người ta hãm lại, hoặc trình xin ý kiến… chỉ đạo của cấp trên.

Chúng ta đang ở trong thời điểm lịch sử khi chính thức đồng loạt vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước, chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm là bộ máy mới phải giải quyết nhanh nhất, tốt nhất các vấn đề từ thực tiễn để phục vụ sự phát triển của đất nước. Không chỉ những cơ quan gần dân, sát dân như chính quyền cấp phường, xã, những cơ quan đầu não thuộc các ngành, lĩnh vực cũng phải thực hiện nghiêm chỉ đạo này. Có như vậy bộ máy chính quyền của chúng ta mới thực sự vận hành tinh gọn, mạnh mẽ, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Thái Sơn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trach-nhiem-khong-phai-la-qua-bong.756298.html