Trách nhiệm, nghĩa tình qua phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa'

Những năm qua, công tác chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh Sóc Trăng quan tâm triển khai thực hiện tốt, giúp cho đời sống, tinh thần người có công và thân nhân được nâng lên. Nhiều hoạt động, phong trào ý nghĩa đã tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, với nhiều kết quả thiết thực.

Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng số người có công trên địa bàn tỉnh là 50.517 người. Trong đó, lão thành cách mạng 150; cán bộ tiền khởi nghĩa 346; Bà mẹ Việt Nam anh hùng 2.341; thương bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh 6.599; gia đình liệt sĩ 15.329; người có công cách mạng 8.987; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 2.470; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày 626; người hoạt động kháng chiến được tặng huân, huy chương 6.296; đối tượng hưởng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ 4.576…. Tổng số người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng gần 9.000 người. Toàn tỉnh hiện có 13 nghĩa trang liệt sĩ với 11.262 mộ.

Theo đồng chí Đặng Thanh Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng, để thể hiện tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, hằng năm, tỉnh đều tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà, các hoạt động kỷ niệm nhân các dịp lễ, Tết, phát động phong trào đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng... góp phần thực hiện đạt mục tiêu đảm bảo cho gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Tỉnh cũng duy trì và phát huy các xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ và người có công, tiếp tục đề nghị tái công nhận các xã, phường có nhiều thành tích trong việc thực hiện, chăm sóc, tạo điều kiện cho người có công từng bước ổn định và nâng cao đời sống, đảm bảo người có công được "yên ổn về vật chất - vui vẻ về tinh thần".

Đoàn cán bộ tỉnh Sóc Trăng và đoàn cán bộ thị xã Vĩnh Châu đến thăm hỏi, tặng quà người có công trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024). Ảnh: NGỌC DIỄM

Hằng năm, tỉnh tổ chức đưa đoàn người có công đi tham quan Thủ đô Hà Nội, đi điều dưỡng tập trung tại các tỉnh Lâm Đồng; Kiên Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu... Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh đến nay, để tạo điều kiện cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn về nhà ở nhưng khả năng họ không tự lực được, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng bộ và chính quyền các cấp đã phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa và xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng. Kết quả đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được hơn 17.600 căn nhà tình nghĩa (chiếm 61% tổng số gia đình có công với cách mạng), với tổng kinh phí trên 418 tỷ đồng. Cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg và Đề án số 08/ĐA-UBND, ngày 10/12/2013 của UBND tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên hiện nay qua rà soát số hộ gia đình người có công (số trước đây chưa được hỗ trợ, hoặc đã được hỗ trợ nhưng qua thời gian bây giờ đang xuống cấp) cần sửa chữa, xây mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất nguồn kinh phí thực hiện.

Để đạt được những kết quả đáng mừng đó, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng có liên quan trong tỉnh, đặc biệt là sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đã góp phần vào công tác chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Riêng năm nay, thiết thực kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), UBND tỉnh Sóc Trăng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực như: thành lập đoàn đi thăm, tặng quà gia đình chính sách; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; tổ chức đoàn người có công tiêu biểu đi Hà Nội… Thông qua các hoạt động thể hiện trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, quân và dân tỉnh nhà đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa’’, đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Trong đó, tập trung giải quyết căn bản số hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công (thương binh, liệt sĩ) theo quy trình ban hành tại hướng dẫn mới theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, ngày 9/12/2020. Rà soát, đối chiếu những trường hợp đủ điều kiện công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, lập thủ tục trình Trung ương xem xét công nhận. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ trợ cấp đối với người có công theo quy định hiện hành. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xác nhận và thực hiện giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, người có công, gia đình người có công tiêu biểu.

Tỉnh cũng tập trung đầu tư kinh phí xây dựng mới nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ ở các huyện ngày càng khang trang, sạch đẹp, quy tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang, thực hiện Đề án xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin theo Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường tổ chức rà soát, thống kê số hộ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở phát sinh mới để thực hiện hỗ trợ. Đảm bảo 100% gia đình người có công đều có nhà ở ổn định. Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" với các chương trình tình nghĩa: Xây dựng nhà tình nghĩa; lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh nặng và nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhằm thể hiện sự tri ân các anh hùng liệt sĩ và những người đã không tiếc máu xương để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tin rằng, các hoạt động này ngày càng trở thành phong trào sâu rộng; cùng quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình người có công với cách mạng.

XUÂN HƯƠNG

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xa-hoi/trach-nhiem-nghia-tinh-qua-phong-trao-den-on-dap-nghia-75015.html