Trách nhiệm người cán bộ
'Trách nhiệm' với tư cách danh từ trong tiếng Việt, được hiểu là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Với mỗi cá nhân, ngoài trách nhiệm với bản thân, gia đình, còn phải có trách nhiệm với tổ chức, trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Với những cá nhân tham gia một tổ chức nào đó thì còn là trách nhiệm với công việc, với tổ chức.
Nói cách khác, trách nhiệm là phần việc được giao, là điều phải làm, phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình theo cương vị, chức trách. Điều này có thể được hình thành trên cơ sở đạo đức, truyền thống hay những quy định của luật pháp, điều lệ của tổ chức mà mình là thành viên.
Những năm gần đây, vấn đề “trách nhiệm” càng được nhắc đến nhiều hơn. Chúng ta có thể nhắc đến “trách nhiệm công chức”, “trách nhiệm cán bộ đảng viên”, “chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn”, “trách nhiệm nêu gương”...
Trong di sản Hồ Chí Minh, Bác Hồ có nói về tinh thần trách nhiệm: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, “đánh trống bỏ dùi”, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm”.
Bác Hồ nhấn mạnh: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Và “gặp việc khó khăn thì cố tìm cách giải quyết đúng”.
Theo dõi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra 2 ngày, nhận thấy một lần nữa vấn đề “trách nhiệm” lại được nhắc đến. Sáng qua (24/10), khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong phát biểu của mình rất trăn trở về vấn đề này. Ông nói: “Có rất nhiều công việc cần phải giải quyết nhưng khả năng giải quyết của các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng được. Có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ nhưng khả năng tháo gỡ cũng rất hạn chế”.
Chúng ta đang gặp một số vấn đề về phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Còn có hiện tượng ôm đồm, “cơi nới” “sân bãi” quyền lực, quyền lợi... chưa bị xử lý dứt điểm. Chủ tịch nước trăn trở: “Dân khó phải nghĩ ngay đến chính quyền, nghĩ ngay luật pháp. Đừng để khi dân khó, dân muốn làm gì thì nghĩ “bây giờ gặp ai, nhờ ông nào””. Đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, nếu cán bộ thừa hành công vụ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo và có trách nhiệm.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/trach-nhiem-nguoi-can-bo-post492968.html