Trách nhiệm người đứng đầu trong bảo trợ xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 12871/UBND-VX về tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn, bán hàng rong.

Ảnh minh họa.

Công văn nêu rõ sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để tái diễn tình trạng người lang thang xin ăn, bán hàng rong hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi.

Việc “cột” người đứng đầu vào nghĩa vụ giải quyết một vấn đề xã hội phức tạp, nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và địa phương với hy vọng sớm lập lại trật tự trong hoạt động phức tạp và nhạy cảm này.

Tại Công văn 12871/UBND-VX, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, phải tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, hành động của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa.

Đặc biệt, không để các đối tượng này bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang ăn xin, bán hàng rong. Cùng với đó phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ, môi giới, ép buộc, trục lợi trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi vào những việc như ăn xin, bán hàng rong.

Đáng nói, trong số người xin ăn, bán hàng rong có nhiều trẻ em đang tuổi đến trường, nhưng do hoàn cảnh khó khăn buộc phải nghỉ học hoặc bị ép buộc nghỉ học để tham gia các hoạt động ăn xin, bán hàng rong.

Đây là phạm vi của ngành giáo dục, vì vậy Sở Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn rà soát, lập danh sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bỏ học kiếm sống, trẻ em có nguy cơ cao bỏ học kiếm sống, để có biện pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời, tránh sự hời hợt, lấy lệ.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác minh nhân thân, hoàn cảnh của các đối tượng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn, bán hàng rong trên địa bàn, để đưa các đối tượng này về gia đình, nơi cư trú, thực hiện chính sách trợ giúp xã hội phù hợp giảm bớt khó khăn.

Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh là nhất quán, rõ ràng nhằm đưa cơ chế và chính sách bảo trợ xã hội đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, nhân ái. Tuy nhiên phải nhìn nhận giải quyết hiệu quả tệ nạn ăn xin, bán hàng rong là vấn đề khó, cần phải có sự tham gia trách nhiệm của nhiều cơ quan, phối hợp của gia đình có người lang thang.

Một yêu cầu nhằm góp phần lập lại trật tự, mỹ quan, tăng cường xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội đã được cụ thể bằng văn bản với hình thức xử lý nặng, hy vọng sẽ tạo ra sự thay đổi trong tổ chức thực hiện.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/trach-nhiem-nguoi-dung-dau-trong-bao-tro-xa-hoi/124556.htm