Trách nhiệm pháp lý của người phụ nữ
Theo luật sư, người phụ nữ nhận tội thay có thể đối diện với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội 'Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối'…
Vụ tai nạn khiến cháu bé 17 tháng tuổi tử vong
Vụ tai nạn giao thông đau lòng
Trước đó, mạng xã hội chia sẻ một tai nạn thương tâm xảy ra tại phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang). Cụ thể, khoảng 17h ngày 21/12, tại tuyến đường thuộc phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến một bé gái tử vong. Thời điểm trên, ô tô BKS 22A-186.xx, do một tài xế điều khiển di chuyển trên đường thì bất ngờ gặp xe máy do một người đàn ông đi chiều ngược lại đang sang đường.
Xe máy sang đường bất ngờ khiến tài xế ô tô phải đánh lái, rồi lao thẳng vào trong nhà dân. Lúc này, trong nhà đang có người mẹ và một bé gái 17 tháng tuổi. Vụ việc khiến cháu bé tử vong thương tâm. Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, một phụ nữ đã trình diện cơ quan chức năng và tự nhận là người cầm lái. CATP Tuyên Quang sau đó đã trưng cầu giám định hình ảnh để xác định chính xác ai là người cầm lái ô tô điện gây ra vụ tai nạn.
Đến ngày 22/12, anh N.K.D (30 tuổi, trú huyện Yên Sơn) đến làm việc với CATP Tuyên Quang và khẳng định bản thân là người cầm lái ô tô điện gây ra vụ tai nạn thương tâm nêu trên. Quá trình làm việc, cơ quan chức năng xác định, anh D là cán bộ thuộc CA huyện Yên Sơn. Người phụ nữ đi cùng xe chính là vợ của anh D. Anh D khai nhận là người gây ra vụ tai nạn, thời điểm xảy ra vụ tai nạn anh không sử dụng rượu và chất kích thích.
Một lãnh đạo CATP Tuyên Quang cho biết, đơn vị đã lấy mẫu máu của anh D để xét nghiệm phục vụ quá trình xác minh. Hiện tại vẫn chưa có kết quả xét nghiệm. Lãnh đạo CATP Tuyên Quang khẳng định sẽ xử lý vụ việc đúng quy định và không có vùng cấm dù người gây tai nạn là ai.
Trách nhiệm pháp lý của người phụ nữ
Về hành vi của người vợ trong vụ việc trên, theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Công ty Luật E&D, đây là Hành vi nhận tội thay người khác. Nhận tội thay người khác là việc một người không thực hiện hành vi phạm tội hoặc có thực hiện hành vi phạm nhưng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng lại nhận mình là người thực hiện hành vi phạm tội nhằm giúp cho người có hành vi phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Có rất nhiều lý do dẫn đến việc một người nhận tội thay người khác. Tuy nhiên, dù với lý do gì thì việc nhận tội thay người khác là hành vi gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án và các hoạt động tố tụng. Đồng thời, việc nhận tội thay cho người khác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả hoạt động phòng chống tội phạm và có thể bỏ lọt tội phạm, người phạm tội thật sự thì không bị xử lý.
Liên quan đến vụ việc ô tô đâm tử vong bé gái ở TP Tuyên Quang ngày 23/12/2024, người phụ nữ ngồi trên xe ô tô đã trình diện và tự nhận là người điều khiển ô tô gây tai nạn, hiện nay lực lượng chức năng đang xác minh làm rõ người cầm lái. Trong trường hợp nếu người phụ nữ thật sự không cầm lái chiếc xe ô tô lúc gây tai nạn thì có dấu hiệu của việc nhận tội thay người khác. Người phụ nữ nhận tội thay có thể đối diện với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối” quy định tại Điều 382 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Cụ thể, Điều 382 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội 2 lần trở lên; dẫn đến việc kết oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Đối với vụ tai nạn ở Tuyên Quang, đã có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
“Ở đây, nếu chỉ xét đến hành vi người phụ nữ nhận mình là người điều khiển xe ô tô lúc gây tai nạn thay cho chủ thể lái xe gây tai nạn trên thực tế, nghĩa là người phụ nữ này đã nhận mình thực hiện hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260, thì người phụ nữ này có thể chịu trách nhiệm hình sự về Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối theo quy định tại Điều 382 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 dẫn chiếu nêu trên, mà không phải chịu trách nhiệm về Tội che giấu tội phạm quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và Tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Vì Điều 389, Điều 390 không quy định hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm đối với người đã thực hiện Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260” – theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn.
Tuy nhiên, việc xác định người nhận tội thay người khác có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không còn phụ thuộc vào việc hành vi đó đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm hay chưa.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/trach-nhiem-phap-ly-cua-nguoi-phu-nu-405289.html