Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay

ThS. Trần Ngọc Dung (Khoa Luật – Trường Đại học Công Đoàn)

Tóm tắt:

Bán hàng đa cấp bất chính là hình vi bán hàng đa cấp không chính đáng, không minh bạch của doanh nghiệp bằng những cách khác nhau nhằm kiếm lời một cách bất chính gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích quy định của pháp luật về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính, từ đó đưa ra một số nhận xét và kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này.

Từ khóa: Bán hàng đa cấp bất chính, trách nhiệm pháp lý, pháp luật Việt Nam.

1. Quy định pháp luật về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính 1.1. Hệ thống văn bản pháp luật quy định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính

Theo quy định của pháp luật, các cá nhân, tổ chức có hành vi bán hàng đa cấp (BHĐC) bất chính phải gánh chịu TNPL về:

- Trách nhiệm hình sự (TNHS)

- Trách nhiệm hành chính (TNHC)

- Trách nhiệm dân sự (TNDS)

Về văn bản pháp luật trách nhiệm hình sự quy định ở BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 tại chương XVIII - Mục 3 Điều 217a về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp và Điều 290 quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Về văn bản pháp luật trách nhiệm hành chính được quy định tại Nghị định số 141/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định chi tiết luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác.

Về văn bản pháp luật trách nhiệm Dân sự được quy định tại Điều 275 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” và tương ứng với căn cứ này là các quy định tại Chương XX, Phần thứ ba Bộ luật Dân sự 2015 về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” của cá nhân, doanh nghiệp BHĐC có vi phạm gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác.

1.2. Phân loại trách nhiệm pháp lý đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính

1.2.1. Trách nhiệm Hành chính đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính

TNHC được áp dụng với chủ thể đã thực hiện vi phạm hành chính có thể phải gánh chịu các biện pháp chế tài pháp luật như cảnh cáo, phạt tiền, tước giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề…[1]

Đối với hành vi BHĐC bất chính có 2 nhóm biện pháp TNHC là các biện pháp xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

+ Với biện pháp xử phạt: Quy định trong Nghị định số 141/2018/NĐ - CP sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Thứ nhất, về phạt tiền đối với vi phạm BHĐC bất chính.

Theo Nghị định số 141/2018/NĐ phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các vi phạm: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia BHĐC; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia BHĐC; cho người tham gia BHĐC nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động BHĐC mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó; từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia BHĐC có quyền hưởng.

Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi: cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới BHĐC; cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của DN; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mua lại hàng hóa theo quy định của pháp luật (Nghị định số 71/2014/NĐ - CP[2] trước đó quy định mức phạt đối với các hành vi này là từ 60 đến 100 triệu đồng).

Mức phạt sẽ tăng gấp 2 lần (từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng) nếu các hành vi nói trên được thực hiện tại 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Đối với người tham gia BHĐC thực hiện các hành vi BHĐC bất chính quy định tại Nghị định số 141/2018/NĐ bị phạt từ 3 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với cá nhân có những hành vi như: Tiếp thị, bán hàng khi chưa được cấp Thẻ thành viên; Không xuất trình Thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng.

Thứ hai, hình phạt bổ sung và khắc phục hậu quả với vi phạm BHĐC bất chính.

Ngoài việc bị phạt tiền ở những trường hợp nêu trên, tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sau:

- Buộc cải chính công khai đối với hành vi cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới BHĐC; cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp.

- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm đối với hành vi nêu trên.

- Người có thẩm quyền xử phạt khi xử phạt có trách nhiệm thông báo cho cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC để xem xét áp dụng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, hoạt động BHĐC xuất hiện những hình thức biến tướng, trá hình gây nhiều hệ lụy kinh tế, xã hội nghiêm trọng, việc tăng mức xử phạt cho vi phạm trong kinh doanh đa cấp được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế được những tiêu cực trong lĩnh vực này.

1.2.2. Trách nhiệm Hình sự đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính

TNHS đối với hành vi BHĐC bất chính được quy định cụ thể trong BLHS 2015sửa đổi 2017 đối với cả cá nhân và doanh nghiệp. Việc bổ sung một điều luật cụ thể để xử lý hoạt động BHĐC tại thời điểm này là rất cần thiết vì suốt trong thời gian dài vừa qua hoạt động BHĐC trên thực tế đã gây thiệt hại rất lớn tới những người tham gia, tạo sự hoang mang, phẫn nộ trong đời sống xã hội.

Thứ nhất, về phạt tiền đối với vi phạm bán hàng đa cấp bất chính.

Một là, theo Điều 217a BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với hành vi cá nhân tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng nếu chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Với hành vi thu lợi bất chính bị phạt từ 200 trăm triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng;

- Với hành vi bán hàng đa cấp gây thiệt hại cho người khác phạt từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và Điều 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản).

Hai là, theo Điều 217a BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, mức phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng áp dụng đối với cá nhân, doanh nghiệp BHĐC phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

Thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên;
Gây thiệt hại cho người khác 1,5 tỷ đồng trở lên;
Quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên.

Thứ hai, về hình phạt tù đối với vi phạm bán cấp bất chính.

Một là, theo Điều 217a BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

- Đối với cá nhân tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC thuộc một trong các trường hợp: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Đối với cá nhân thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng;

- Gây thiệt hại cho người khác từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và Điều 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản) của BLHS 2015 bị phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

- Thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên; gây thiệt hại cho người khác 1,5 tỷ đồng trở lên; Quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với cá nhân phạm tội.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hai là, theo điểm c khoản 1 điều 292 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đối với cá nhân hành vi cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông nhằm kinh doanh đa cấp sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

Ba là, hành vi BHĐC bất chính thể hiện ở những dấu hiệu không lành mạnh trái với quy định của pháp luật như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản:

- Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Với hành vi cưỡng đoạt tài sản có quy định tại Điều 170 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

1.2.3. Trách nhiệm Dân sự đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính

TNDS đối với hành vi BHĐC bất chính phổ biến được áp dụng với chế tài bồi thường thiệt hại bởi vi phạm của cá nhân, doanh nghiệp BHĐC gây ra.

Thông thường đối với vi phạm về BHĐC, BTTH thường phát sinh ngoài hợp đồng. BTTH ngoài hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường và từ nghĩa vụ phải BTTH tạo ra quan hệ nghĩa vụ tương ứng. Căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH là cơ sở pháp lý mà dựa vào đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xác định trách nhiệm BTTH. BTTH ngoài hợp đồng là TNDS do hành vi gây ra thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể. Bên có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho bên bị thiệt hại. Theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” và tương ứng với căn cứ này là các quy định tại Chương XX, Phần thứ ba Bộ luật Dân sự 2015 về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Trong trường hợp này, trách nhiệm được hiểu là bổn phận, nghĩa vụ của bên gây thiệt hại phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.

Theo khoản 1 Điều 584 BLDS 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là “hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại.

Do đó, với các vi phạm của cá nhân và doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh đa cấp mà gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác sẽ thường áp dụng các quy định xử phạt nêu trên.

3. Một số đánh giá và kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm pháp lý đối với bán hàng đa cấp bất chính

Việc bổ sung quy định về TNHS đối với vi phạm BHĐC là một bước tiến dài của pháp luật trong việc chống BHĐC bất chính. Trước khi có Điều 217a được thông qua thì Bộ Luật Hình sự không có điều khoản nào về xử lý hoạt động BHĐC. Việc quy định tội danh mới này đã tạo ra một hành lang pháp lí phù hợp để xử lí kịp thời, chính xác những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trước khi có tội danh này, vi phạm quy định pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến việc không đủ tính răn đe nên việc vi phạm vẫn tiếp tục với tính chất phức tạp và tinh vi hơn.

Ngoài ra, về hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi BHĐC bất chính cũng được pháp luật mở rộng đối tượng và hành vi đa dạng hơn. Mức xử phạt cũng đã được nâng lên cao hơn so với trước.

Mặc dù quy định pháp luật về trách nhiệm pháp lý của BHĐC bất chính đã ngày càng hoàn thiện hơn nhưng theo tác giả còn một số vấn đề cần xem xét sửa đổi:

Thứ nhất, đối với trách nhiệm hành chính.

Hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi BHĐC bất chính đã được pháp luật sửa đổi nâng mức phạt cao hơn so với trước song vẫn còn khá thấp, không đủ tính răn đe và chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, theo tác giả cần phải nâng mức xử phạt vi phạm hành chính của cả tổ chức và cá nhân có hành vi BHĐC bất chính như sau:

Đối với tổ chức, mức phạt hiện nay cao nhất chỉ dừng ở 200 triệu khi gây thiệt hại từ 2 tỉnh thành trở lên. Tuy nhiên, với bản chất nguy hiểm của hành vi BHĐC bất chính, Nhà nước không nên chỉ nhìn vào hậu quả để đưa ra mức xử phạt, mà chỉ cần có vi phạm xảy ra đã có thể xử phạt nặng với DN BHĐC để thể hiện tính răn đe của pháp luật. Theo tác giả, nên sửa đổi mức phạt theo hướng quy định mức tối đa “phạt tiền đến 02 tỷ đồng đối với tổ chức” phù hợp với khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Đối với cá nhân, thực hiện BHĐC bất chính nên nâng mức phạt cao nhất lên 100 triệu đồng thay bằng 50 triệu đồng như hiện nay. Bản chất của cá nhân thực hiện hành vi BHĐC bất chính là mang tính gian dối, đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức bán hàng. Vì vậy, việc nâng mức phạt tối đa đối với cá nhân lên 100 triệu đồng là phù hợp với vi phạm.

Việc sửa đổi nâng mức phạt hành chính đối với hành vi BHĐC bất chính quy định tại Nghị định số 141/2018/NĐ-CP là cần thiết với những biến phức tạp của BHĐC đang diễn ra.

Thứ hai, đối với trách nhiệm hình sự.

Mức phạt quy định trong BLHS 2015 về tội vi phạm BHĐC là quá nhẹ so với hậu quả tác động của hành vi. Khung hình phạt cao nhất chỉ 5 năm tù là nhẹ hơn rất nhiều so với với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt lên đến 20 năm và chung thân được áp dụng trước đây. Vì vậy, pháp luật Việt Nam cần xem xét sửa đổi lại cho phù hợp với hậu quả pháp lý mà hành vi gây ra. Bởi quy định riêng về tội vi phạm BHĐC với khung hình phạt thấp như vậy sẽ tạo khe hở là nơi “trốn” để đối tượng không bị xử lý về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản”. Với việc xác định tính chất mức độ vi phạm quy định tại Điều 217a trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 như vậy là chưa hợp lý cần được sửa đổi như sau:

Một, tăng mức phạt đối với việc tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC.

Như đã trình bày ở phần TNHS đối với vi phạm BHĐC có thể nhận thấy hậu quả thiệt hại của các hành vi không tuân thủ quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh theo phương thức đa cấp là rất lớn. Hậu quả này có thể không xảy ra ngay tức khắc, gây thiệt hại lớn cho những người có liên quan.

Hai, nâng mức phạt của các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 217a.

Việt Nam đang là một trong những quốc gia nghèo trên thế giới. Việc các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp biến tướng ngày càng tỏ ra tinh vi, nguy hiểm, không chỉ nở rộ ở các thành phố lớn mà len lỏi tới các vùng quê nghèo hẻo lánh gây ra những thiệt hại không nhỏ, gây ảnh hưởng xấu nặng nề tới rất nhiều gia đình và cho xã hội. Vì vậy, nếu vẫn giữ nguyên mức phạt như hiện nay tại Khoản 2 Điều 217a là chưa đủ tính răn đe và phòng ngừa đối với những sai phạm của hành vi BHĐC biến tướng.

Việc nâng mức phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng lên mức từ 3 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng; nâng mức phạt tù từ 1 năm đến 05 năm lên 3 năm đến 10 năm với các vi phạm tại Khoản 2 điều 217a là phù hợp với mức độ vi phạm cũng như sự tác động của hành vi đến xã hội. Nâng mức phạt như vậy mới đảm bảo tính răn đe và tương xứng với hành vi vi phạm.

Thứ ba, đối với trách nhiệm Dân sự.

Hiện nay các quy định về BTTH liên quan đến BHĐC bất chính được triển khai trong thực tiễn. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra cần có sự hướng dẫn từ phía các cơ quan có thẩm quyền nhất là từ phía Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công Thương. Trong đó có một số vấn đề như sau:

Về cơ chế khởi kiện: Xác định chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do BHĐC cấp bất chính gây ra. Bởi theo nguyên tắc chung, bất cứ ai bị thiệt hại bởi hành vi này đều có quyền được yêu cầu bồi thường. Pháp luật cần phải có quy định rõ hơn về quyền yêu cầu khởi kiện của chủ thể. Dưới khía cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo kinh nghiệm ở một số quốc gia như Pháp, Hàn Quốc[3] để tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng có khả năng tự bảo vệ mình, huy động mọi lực lượng xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ người tiêu dùng, cần tăng tính chuyên nghiệp hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng từ phía các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng.
Về quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay, pháp luật cần phải có những quy định rõ ràng, cụ thể để bảo vệ quyền lợi trực tiếp của người tiêu dùng khi bị công ty kinh doanh đa cấp xâm phạm nhằm mục đích trục lợi bất chính. Với kinh nghiệm quản lý hoạt động BHĐC ở Hàn Quốc, pháp luật về bán hàng đa cấp của quốc gia này có quy định: Tất cả các công ty BHĐC đều phải mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng[4]. Với quy định này, người tiêu dùng luôn luôn được đảm bảo về quyền lợi khi các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có hành vi xâm phạm vào lợi ích hợp pháp. Việc mua bảo hiểm này cũng có lợi cho các doanh nghiệp BHĐC bởi lẽ, nếu thiệt hại gây ra với giá trị lớn mà công ty cần phải khắc phục nếu không có bảo hiểm thì công ty sẽ phải mất đi một dòng tiền khá lớn để thực hiện nghĩa vụ, đồng nghĩa ảnh hưởng đến tài chính kinh doanh của doanh nghiệp. Theo tác giả, pháp luật Việt Nam về chống BHĐC bất chính cũng nên học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc xem xét sửa đổi bổ sung theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

4. Kết luận

Tóm lại, để đảm bảo việc hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi BHĐC bất chính mang tính toàn diện thì trong quá trình hoàn thiện phải thống nhất với quy định quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BHĐC. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống các quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHĐC cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hiện nay do đã xuất hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi bất chính của nhiều doanh nghiệp theo phương thức đa cấp, như: đầu tư tiền vào các dự án tài chính, khóa học, ví điện tử. Những hình thức đầu tư kinh doanh này vốn không thuộc phạm vi quản lý của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP nên khó khăn trong công tác quản lý và xử lý những vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.

Tài liệu trích dẫn:

1Giáo trình lý luận chung về Nhà nước và pháp luật - Nhà xuất bản Tư pháp Hà Nội, 2017 - Trang 433.

2Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

3Bộ luật Bảo vệ người tiêu dùng của Pháp, Bán hàng tận cửa 1995 Hàn Quốc (sửa đổi bổ sung 2016).

4Điều 37 đạo luật Bán hàng tận cửa 1995 Hàn Quốc (sửa đổi bổ sung 2016).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Chính phủ (2018), Nghị định số 40/2018/ NĐ - CP quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Chính phủ (2018), Nghị định số 141/2018/ NĐ - CP sửa đổi các Nghị định xử phạt vi phạm trong bán hàng đa cấp.
Chính phủ (2014), Nghị định số 71/2014/NĐ - CP quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.
Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình lý luận chung về Nhà nước và pháp luật - Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội.
Quốc hội (2004), Luật Cạnh tranh 2004.
Quốc hội (2012), Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự 2015.
Quốc hội (2017), Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

LEGAL LIABILITIES OF ILLEGAL MULTI-LEVEL MARKETING ACCORDING TO CURRENT VIETNAM’S PROVISIONS

Master. Tran Ngoc Dung

Faculty of Law, Trade Union University

Abstract:

Illegal multi-level marketing is unjust and non-transparent multi-level marketing activities of a business and is conducted in different illegal ways to make profit, causing serious consequences for society. This article analyzes provisions of illegal multi-level marketing’s legal liabilities and proposes some recommendations to perfect provisions against this issue.

Keywords: Illegal multi-level marketing, legal liability, Vietnam’s law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/trach-nhiem-phap-ly-doi-voi-hanh-vi-ban-hang-da-cap-bat-chinh-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-viet-nam-hien-nay-75633.htm