Trách nhiệm pháp lý trong vụ cháy quán karaoke làm 32 người chết
Theo luật sư, cần xác định nguyên nhân chập điện trong vụ hỏa hoạn có phải sự kiện bất khả kháng hay không, từ đó xác định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân liên quan.
Khoảng 20h15 ngày 6/9, quán karaoke An Phú (số 166C, Bùi Thị Xuân, khu phố 1A, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) bốc cháy. Đám cháy bùng phát tại tầng 2 và nhanh chóng lan rộng. Theo công an địa phương, 32 nạn nhân tử vong được đưa ra khỏi hiện trường, 17 người bị thương khi tự thoát nạn.
Trong vụ việc này, ai phải chịu trách nhiệm đối với sức khỏe, tính mạng của các nạn nhân?
Có phải tình huống bất khả kháng?
Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) đánh giá đây là sự việc thương tâm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Với hậu quả làm 32 người chết, thiệt hại trong vụ hỏa hoạn này mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác định nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong vụ việc để xử lý sai phạm (nếu có) cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các nạn nhân.
Theo báo cáo ban đầu, hỏa hoạn có thể do chập điện. Trường hợp này, để xác định đây có phải sự kiện bất khả kháng hay không, luật sư cho rằng cần dựa trên 3 yếu tố. Đó là xảy ra một cách khách quan; không thể lường trước được và không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Đối chiếu với vụ việc này, ông Tiền cho rằng nguyên nhân dẫn tới chập điện sẽ là yếu tố quan trọng xác định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân liên quan.
Cụ thể, nếu việc chập điện xảy ra do các yếu tố khách quan như sét đánh, lỗi hệ thống điện... mà nhân viên quán không thể lường trước được; đã áp dụng các biện pháp khắc phục như ngắt cầu dao điện, cố gắng sử dụng bình chữa cháy để dập lửa nhưng bất thành thì đây có thể coi là sự kiện bất khả kháng. Ngược lại, nếu việc chập điện xuất phát từ tác động của con người như hút thuốc, bật lửa gây cháy nổ; sử dụng, vận hành hệ thống điện không đúng quy trình hay hàn cắt kim loại không đảm bảo an toàn, để tia lửa bắn vào hệ thống gây chập cháy thì không thể coi là sự việc bất khả kháng.
Nếu đủ yếu tố xác định nguyên nhân vụ hỏa hoạn xảy ra do sự kiện bất khả kháng, căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, chủ quán sẽ không phải bồi thường cho các nạn nhân. Ngược lại, nếu xác định có yếu tố lỗi của chủ hoặc nhân viên quán, họ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn theo các Điều 584, 585, 590 và 591 Bộ luật Dân sự 2015.
Thậm chí, trách nhiệm hình sự cũng có thể đặt ra đối với các tội danh như Vô ý làm chết người (Điều 128), Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 129), Vi phạm an toàn ở nơi đông người (Điều 295) hoặc Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (Điều 313) tại Bộ luật Hình sự 2015.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trích dẫn quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), luật sư Tiền cho biết theo Điều 5 Thông tư 147/2020/TT-BCA và khoản 1, Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC. Cụ thể, cơ sở thuộc diện này phải có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định.
Đồng thời, cơ sở phải có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có hệ thống chống sét, điện, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC.
Bên cạnh đó, cơ sở cần có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC.
Trong buổi họp báo sáng 8/9, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết quán Karaoke An Phú có diện tích sàn xây dựng của quán karaoke khoảng 1.500 m2 (cao 3 tầng), trong đó có 29 phòng hát. Cơ sở này hoạt động từ năm 2016 và có đăng ký đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan như: Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy vào các năm 2019, 2021, 2022.
Theo thông tin hiện có, luật sư Tiền đánh giá về mặt giấy tờ pháp lý, cơ sở karaoke này đã đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn cần tiếp tục điều tra, khám nghiệm hiện trường nhằm xác định chính xác hệ thống PCCC của quán đã thực sự đạt tiêu chuẩn hay chưa và có hay không yếu tố lỗi do chủ quan của con người tác động.
Còn luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho biết dịch vụ karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh phải đảm bảo quy định về cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy thì mới được cấp phép hoạt động.
Ông Cường cho rằng nếu quán đã có đủ giấy phép hành nghề nhưng trong quá trình hoạt động không đảm bảo quy tắc vận hành, quy định về phòng cháy chữa cháy, hoặc có thể cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về PCCC nhưng vẫn được cấp phép. Khi đó, cá nhân cấp phép, chủ quán, nhân viên và những người chịu trách nhiệm liên quan (nếu có) sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thiệt hại trong vụ cháy.
Nếu xử lý hình sự, ông Cường cho rằng các tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy và Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính có thể được áp dụng với chủ, nhân viên cơ sở và người có trách nhiệm liên quan khác. Trường hợp có cán bộ cấp phép sai quy định, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360) hoặc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356) tại Bộ luật Hình sự 2015 có thể được đề cập tới.