Trách nhiệm phòng bệnh sốt xuất huyết thuộc về ai?

Những trận dịch sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên được ghi nhận xảy ra vào những năm từ 1778-1780 ở châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ. Sự xuất hiện gần như đồng thời của các trận dịch trên 3 lục địa khác nhau chứng tỏ rằng virút gây bệnh cũng như véc-tơ truyền bệnh đã phân bố rộng rãi trên toàn thế giới từ trên 200 năm trước. Ấy vậy mà đến nay, SXH hàng năm vẫn cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Mép lu - nơi đẻ trứng ưa thích của muỗi vằn

Mép lu - nơi đẻ trứng ưa thích của muỗi vằn

Vậy là ngành Y tế tất bật với các phương án phòng, chống bệnh. Các ban, ngành, đoàn thể lên kế hoạch phối hợp thực hiện. Các hội nghị triển khai diễn ra từ tỉnh đến huyện, xã. Công văn chỉ đạo, cập nhật tình hình dịch bệnh liên tục gửi đến các đơn vị có liên quan, tuy nhiều việc phải làm nhưng tập trung chỉ là thông điệp “Không có lăng quăng không có bệnh SXH”. Và từ đây, xuất hiện nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt”.

Có cô cán bộ y tế ở một xã vùng sâu của huyện Châu Thành xuống họp nhóm với người dân, vừa mới khơi đầu là đã bị “mắng té tát” vào mặt: “Con tôi, cháu tôi bệnh mấy đứa đưa đi bệnh viện kìa, tôi chỉ hỏi cô, y tế làm gì mà đến giờ chưa chịu xuống đây phun thuốc, đợi con nít cả xã này bệnh hết rồi mới làm hả?”. Vừa nói, bà vừa mạnh tay đập mấy con muỗi vằn đậu trên người như để trút bớt cơn giận.

Có nhóm sinh viên năm thứ 4 Đại học Y Dược TP.HCM về Long An thực tập, mới hỏi về cách phòng bệnh SXH thì người dân ở phường 7, TP.Tân An đã kể vanh vách và còn hờn mát “bộ coi tụi tui dốt lắm, không có kiến thức hả mấy cô?”. Ấy vậy mà năm nào thành phố cũng có bệnh xảy ra, có năm lại đứng vào hàng cao thứ hai, ba của tỉnh về số ca mắc.

Năm 2022, huyện Thủ Thừa xuất hiện nhiều ổ dịch SXH nhỏ. Khi cán bộ y tế đến nhà thì gia chủ không muốn tiếp và nói: “Phòng bệnh SXH hả chị? Cách gì tui cũng biết hết rồi. Thôi mấy chị khỏi chỉ tui. Muỗi còn chắc là tại mấy nhà kế bên không làm đó, chứ ở đây ai mà không biết mấy cách diệt lăng quăng với mấy cách phòng bệnh. Tụi tui nghe hoài!”.

Lại nói về cách phòng bệnh SXH. Mỗi khi có dịch SXH xảy ra là lãnh đạo lại yêu cầu ngành Y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống, xử lý dịch, tăng cường biện pháp tuyên truyền để người dân có kiến thức, biết cách phòng bệnh. Và biện pháp mà ai cũng biết, chỗ nào cũng làm đó là ra quân diệt lăng quăng. Điều này rất đúng và rất cần để xử lý ổ dịch nhanh chóng, triệt để. Thế nhưng, điều đáng nói đó chính là cách làm.

Địa phương chia thành nhiều nhóm nhỏ đi xuống hộ dân. Mỗi nhóm nhỏ có cán bộ của các ban, ngành, đoàn thể và thành phần chủ lực không thể thiếu là y tế xã và các cộng tác viên, y tế ấp. Khi đến hộ trong vùng dịch, các thành viên của nhóm túa ra để đi... diệt lăng quăng, dọn dẹp cho chủ nhà. Còn chủ nhà thì rất phấn khởi chỉ nơi có lăng quăng để đoàn... dọn giúp. Đúng bài bản, trước khi ra về, thành viên đoàn đều dặn gia chủ về tầm quan trọng của diệt lăng quăng phòng bệnh và cung cấp tờ rơi. Hai tuần sau quay lại thì lăng quăng lại đầy các vật chứa.

Vậy ai đúng, ai sai trong những câu chuyện này? Thật khó trả lời. Nếu xét về mục tiêu của ngành Y tế đưa ra là truyền thông để người dân có kiến thức, biết cách phòng bệnh thì ngành đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng biết chưa đủ, biết chưa dẫn đến làm. Muốn không có bệnh, người dân không chỉ biết mà còn phải làm. Khi người dân chưa ý thức được việc tự bảo vệ sức khỏe của mình, chưa biến kiến thức thành hành động thì cho dù cả xã hội có cố gắng đến mấy vẫn không thể làm cho bệnh SXH không còn tiếp tục xảy ra.

SXH đã xuất hiện ở Việt Nam vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Đến nay, mức độ khẩn cấp của bệnh dường như chỉ có tăng lên, đến nỗi hàng năm tốn tiền tỉ nhưng chỉ để thực hiện một điều “Không có lăng quăng không có bệnh SXH”. Và y tế thì cứ tiếp tục truyền thông về cách phòng bệnh; các ban, ngành, đoàn thể vẫn cứ hô hào trong hội viên; người dân cứ kể vanh vách các biện pháp nhưng cuối cùng vẫn được kết bằng câu hỏi “Khi nào mấy chú y tế xuống xịt thuốc diệt muỗi?” mỗi khi có dịch bệnh.

Và nếu cứ như hiện nay, câu hỏi trách nhiệm phòng bệnh SXH thuộc về ai sẽ còn tiếp tục bỏ ngỏ./.

Thanh Bình

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/trach-nhiem-phong-benh-sot-xuat-huyet-thuoc-ve-ai-a149733.html