Trách nhiệm thiêng liêng
Ăn quả nhớ người trồng cây, đó là đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam đã được nuôi dưỡng, vun đắp và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi năm cứ đến ngày 27-7, trong lòng mỗi người Việt Nam yêu nước lại hướng về ngày này với tất cả lòng biết ơn sâu sắc tự đáy lòng. Để có một đất nước nguyên vẹn hình hài như hôm nay, đã có biết bao những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ít có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, suốt mấy ngàn năm lịch sử là mấy ngàn năm chống chọi với ngoại xâm để giữ gìn bờ cõi. Những mất mát, hy sinh của dân tộc trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc là vô bờ bến: Cả 4 cha con Lê Lai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, cả gia đình Tôn Thất Thuyết đã hy sinh gần 20 người, mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, mẹ Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi và hàng trăm ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng trên đất nước này chính là những tượng đài bất hủ, một biểu tượng sống của mất mát, hy sinh và sức chịu đựng lớn lao của con người.
Trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, không chỉ Nhân dân lao khổ chống giặc mà còn có cả những vị vua, những quan lại, trí thức, đại điền chủ nổi tiếng cùng tham gia. Đó là những Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, những bậc đế vương đã từ bỏ ngai vàng để cùng Nhân dân chống giặc. Đó là một Trần Đại Nghĩa với lương tháng mấy chục lượng vàng… Chắc chắn những tên tuổi trên đây khi chọn con đường đấu tranh gian khổ hy sinh, không phải để mưu cầu quyền lợi cho riêng bản thân mình. Có lẽ động lực lớn nhất thôi thúc những thế hệ người Việt Nam không tiếc máu xương chính là lòng yêu nước thiết tha cháy bỏng, chính là khát vọng về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và trường tồn đã thúc giục hàng triệu người Việt Nam không tiếc máu xương trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Mấy ngàn năm lịch sử là bấy nhiêu ngàn năm đất nước và dân tộc ta đã phải gồng mình vượt qua bao gian lao thử thách, trong đó có những giây phút đối mặt với mất còn để chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ non sông, giống nòi. Thành quả càng nhiều, chiến thắng càng lớn thì mất mát khổ đau càng nhiều. Suốt mấy ngàn năm lịch sử ấy, đã có biết bao bà mẹ tiễn con và “khóc thầm lặng lẽ”.
Đất nước đã hết chiến tranh, đó là nỗi vui mừng lớn mà chỉ những người đã trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh mới cảm nhận hết niềm hạnh phúc lớn lao này. Những thế hệ người Việt Nam hôm nay được sống trong hòa bình vẫn chưa bao giờ quên ơn những hy sinh của các thế hệ đi trước. Đã có rất nhiều những chủ trương, chính sách, những việc làm tình nghĩa đầy tinh thần trách nhiệm làm ấm lòng cả những người sống và anh linh những người đã hy sinh.
Ngày 27-7, nghĩ về công lao của các anh hùng liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa có ý nghĩa nhất chính là những người đang sống hôm nay hãy cùng nhau đoàn kết, cùng nhau đấu tranh dẹp tan những xấu xa, rác rưởi, những tệ hại của xã hội. Kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ nhắc nhở mỗi chúng ta, những người đang sống về trách nhiệm thiêng liêng đó.